a. Lựa chọn bài thơ
- Liệt kê một số bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật em đã học hoặc đã đọc.
- Lựa chọn bài thơ em hiểu và yêu thích để phân tích.
b. Tìm ý
* Ví dụ: Phân tích bài thơ “Thu điếu” Nguyễn Khuyến.
Em hãy đọc kĩ bài thơ đã chọn và dựa vào đặc điểm cơ bản của thể thơ để xác định các phương diện nội dung và nghệ thuật cần phân tích:
- Tìm hiểu nhan đề và bố cục của bài thơ để nhận biết đề tài và nội dung chính.
+ Nhan đề: Thu điếu có nghĩa là “Câu cá mùa thu”. Việc câu cá chẳng qua là cái cớ, cái hoàn cảnh, cái chỗ để nói về mùa thu, để thưởng thức mùa thu mà thôi. Mùa thu, nhất là mùa thu ở làng quê, vốn đẹp, nhưng mùa thu, cảnh thu ngắm từ vị trí người câu cá, thưởng thức từ tâm trạng người ngồi câu cá, lại có cái đẹp, cái thú riêng.
+ Bố cục: 2 phần
+ Nội dung chính: Văn bản là một bức tranh đẹp về mùa thu ở làng quê Việt Nam, một không gian thu trong trẻo, thanh sạch và bình yên với những hình ảnh, đường nét xinh xẻo. Đồng thời cho thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước cùng tâm trạng đau xót của tác giả trước thời thế.
- Chia tách bài thơ thành các phần và xác định nội dung chính của từng phần. Có thể chia tách bài thơ theo chiều ngang (dựa vào mạch ý), hoặc theo chiều dọc (dựa vào hình tượng thơ).
+ Bài thơ “Thu điếu” chia thành 2 phần căn cứ theo mạch ý. Phần 1 (6 câu thơ đầu): Cảnh mùa thu ở vùng quê Bắc bộ. Phần 2 (2 câu thơ cuối): Hình ảnh, tâm trạng của nhân vật trữ tình
- Tìm những nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ.
+ Về nội dung: Chú ý đặc điểm nổi bật của hình tượng thiên nhiên, hình tượng con người; những cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ; chủ đề bài thơ;…
+ Về nghệ thuật: Cách sử dụng các yếu tố thi luật của thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình,… Chú ý các từ gợi tả hình ảnh, âm thanh, biểu cảm và các biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ, đảo ngữ,…).
- Tìm hiểu thông tin cơ bản về tác giả, về hoàn cảnh sáng tác để hiểu thêm về bài thơ.
+ Nguyễn Khuyến là người có tài năng cốt cách thanh cao, có tấm lòng yêu nước thương dân. Nguyễn Khuyến là nhà thơ Nôm xuất sắc, nhà thơ của làng cảnh Việt Nam, nhà thơ lớn của nền văn học trung đại.
+ Bài thơ được viết trong thời gian Nguyễn Khuyến cáo quan về ở ẩn. Vì vậy bài thơ không chỉ đơn giản tái hiện cảnh sắc thiên nhiên mùa thu mà còn chất chứa những tâm sự, suy tư của tác giả.
c. Lập dàn ý
Sử dụng kết quả của phần Tìm ý, sắp xếp, tổ chức thành dàn ý. Khi lập dàn ý, cần chú ý những yêu cầu đối với kiểu bài để tập trung vào trọng tâm.
- Mở bài: Giới thiệu khái quát, ngắn gọn về Nguyễn Khuyến và bài thơ “Thu điếu” (nhan đề, đề tài, thể thơ,…); nêu ý kiến chung về bài thơ.
- Thân bài:
+ Ý 1: Phân tích đặc điểm nội dung:
• Phân tích hình tượng thơ (hình tượng thiên nhiên, hình tượng con người)
• Phân tích cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ.
• Khát quát chủ đề của bài thơ.
+ Ý 2: Phân tích một số nét đặc sắc về nghệ thuật:
• Cách sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật (theo mô hình chuẩn mực hay có sự cách tân)
• Những nét đặc sắc trong nghệ thuật tả cảnh, tả tình
• Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ (từ ngữ, cấu trúc, câu thơ, biện pháp tu từ,…).
- Kết bài: Khẳng định vị trí và ý nghĩa của bài thơ.
Gói VIP thi online tại VietJack (chỉ 400k/1 năm học), luyện tập gần 1 triệu câu hỏi có đáp án chi tiết
* Phân tích bài viết tham khảo
Văn bản “Phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương”