a. Lựa chọn đề tài
Với yêu cầu nghị luận về vấn đề con người trong quan hệ với xã hội, cộng đồng, đất nước, em cần huy động vốn hiểu biết qua môn học Ngữ văn và các môn học khác, qua sách báo và các phương tiện truyền thông, nêu ra một số vấn đề để suy nghĩ, lựa chọn. Có thể tham khảo các đề tài sau:
- Học sinh với vấn đề xây dựng trường học thân thiện.
- Học sinh với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
- Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc thông qua việc tổ chức một lễ hội ở quê em.
- Trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống.
b. Tìm ý
* Đề bài: Trách nhiệm của học sinh đối với quê hương, đất nước.
Ghi nhanh ra giấy những ý nghĩ bất chợt nảy sinh trong quá trình tìm hiểu các khía cạnh của đề tài , kết hợp với việc tự trả lời các câu hỏi xoay quanh đề tài. Chẳng hạn:
- Vấn đề có tầm quan trọng như thế nào?
Phải nêu được vấn đề và xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề đó đối với đời sống xã hội, cộng đồng, đất nước. Vai trò của việc nhận thức được trách nhiệm của mình với quê hương đất nước, ý thức trách nhiệm của học sinh với cộng đồng.
- Vấn đề có những khía cạnh cơ bản nào? Cần dùng lí lẽ và bằng chứng nào để làm rõ từng khía cạnh?
Mỗi khía cạnh của vấn đề được nêu ra tương ứng với một luận điểm (ý) cần triển khai. Tìm hiểu bài viết tham khảo để nắm được cách xác định:
+ Ý 1: Giải thích thế nào là trách nhiệm?
+ Ý 2: Nêu lên trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước dân tộc.
+ Ý 3: Nêu ý nghĩa của trách nhiệm
+ Ý 4: Liên hệ bản thân
- Cần có hành động như thế nào sau khi nhận thức về vấn đề?
Văn bản nghị luận hướng người đọc đi từ nhận thức đến hành động.
Trả lời các câu hỏi trên, em sẽ tìm được các ý. Phải suy nghĩ, tìm tòi để không bỏ sót những ý quan trọng của bài. Em cần ghi lại ngay, mặc dù có thể còn lộn xộn. Việc sắp xếp các ý sao cho mạch lạc sẽ được thực hiện ở bước tiếp theo.
c. Lập dàn ý
Kết quả của việc tìm ý là cơ sở để lập dàn ý. Lập dàn ý là tổ chức, sắp xếp các ý đã tìm được ở trên thành một hệ thống chặt chẽ, hợp lí, gồm các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài.
- Mở bài: Nêu vấn đề đời sống và ý kiến riêng của người viết về vấn đề đó.
- Thân bài: Lập luận làm sáng rõ ý kiến và thuyết phục người đọc.
+ Vì sao lại có ý kiến như vậy? (Lí lẽ, bằng chứng)
+ Ý kiến đó đúng đắn như thế nào? (Lí lẽ, bằng chứng)
+ Liên hệ, mở rộng vấn đề? (Lí lẽ, bằng chứng)
- Kết bài: Những nhận thức và hành động người đọc cần hướng tới.
Gói VIP thi online tại VietJack (chỉ 400k/1 năm học), luyện tập gần 1 triệu câu hỏi có đáp án chi tiết