Giải SGK GDCD 8 CTST Bài 1: Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam có đáp án
Giải SGK GDCD 8 CTST Bài 1: Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam có đáp án
-
166 lượt thi
-
10 câu hỏi
-
45 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Em hãy ghép các chữ cái chung nhóm màu thành những từ có ý nghĩa về truyền thống của dân tộc Việt Nam.
- Nhóm chữ cái màu vàng: HIẾU HỌC
- Nhóm chữ cái màu tím: HIẾU THẢO
- Nhóm chữ cái màu hồng: YÊU NƯỚC
Câu 2:
Em hãy đọc bài đồng dao, quan sát hình ảnh và thực hiện yêu cầu:
- Em hãy chỉ ra những truyền thống của dân tộc Việt Nam được thể hiện trong bài đồng dao và các hình ảnh trên. Hãy nêu giá trị của những truyền thống đó.
- Hãy nêu những truyền thống khác của dân tộc Việt Nam mà em biết.
Yêu cầu số 1:
- Xác định: Những truyền thống của dân tộc Việt Nam được thể hiện trong bài đồng dao và các hình ảnh là:
+ Uống nước nhớ nguồn (bài đồng dao)
+ Yêu nước, bất khuất đấu tranh chống ngoại xâm (ảnh 1)
+ Hiếu học (ảnh 2)
+ Hiếu thảo (ảnh 3)
+ Nhân ái, yêu thương con người (ảnh 4).
- Giá trị của các truyền thống dân tộc:
+ Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là tài sản vô cùng quý báu được tổ tiên, cha ông tạo dựng và lưu truyền từ ngàn xưa cho đến ngày nay.
+ Những truyền thống tốt đẹp có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, xã hội và kinh tế, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Đồng thời, là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam.
Yêu cầu số 2: Một số truyền thống khác của dân tộc Việt Nam:
- Tôn sư trọng đạo;
- Cần cù, sáng tạo trọng lao động;
- Yêu chuộng hòa bình;
- Dũng cảm, đoàn kết…
Câu 3:
Em hãy đọc các trường hợp sau và thực hiện yêu cầu
Trường hợp 1. Là du học sinh, vào dịp Tết cổ truyền, bạn N cùng nhóm bạn tổ chức các hoạt động Tết theo truyền thống của người Việt ngay tại xứ người như: gói bánh chưng, bánh tét; trang trí hoa mai, hoa đào; mặc trang phục áo dài;... Đối với bạn N, dù ở nơi đâu thì Việt Nam vẫn luôn trong trái tim mình.
Trường hợp 2. Hàng năm, cứ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, thầy và trò Trường Trung học cơ sở A lại háo hức tham gia các hoạt động Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương như: dâng hương để tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước, tham gia các trò chơi dân gian,... Qua đó, học sinh biết trần trọng, tự hào về nguồn cội và có thêm động lực để cố gắng học tập tốt, góp phần xây dựng đất nước.
Trường hợp 3. Trong cuộc thi hùng biện tiếng Anh do Trường Trung học cơ sở X tổ chức, bạn H cùng nhóm bạn hăng hải sưu tầm tư liệu, hình ảnh để chuẩn bị tham gia dự thi với đề tài hiếu học. Không chỉ tích cực tham gia dự thi, nhóm của bạn H còn đam mê tìm tòi, nghiên cứu khoa học và đã từng đạt giải thưởng cao.
Yêu cầu
- Em hãy cho biết những biểu hiện của lòng tự hào về truyền thống dân tộc qua việc làm của các nhân vật trong các trường hợp trên.
- Em hãy kể những việc làm của bản thân và những người xung quanh trong việc thể hiện lòng tự hào về truyền thống của dân tộc Việt Nam.
- Yêu cầu số 1: Biểu hiện của lòng tự hào về truyền thống dân tộc qua việc làm của các nhân vật trong các trường hợp trên:
+ Trường hợp 1. Bạn N trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam; dù là du học sinh, đang học tập tại nước ngoài, nhưng N vẫn cùng nhóm bạn tổ chức các hoạt động Tết theo truyền thống của người Việt ngay tại xứ người.
+ Trường hợp 2. Thầy và trò Trường Trung học cơ sở A tích cực tham gia các hoạt động trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương như: dâng hương để tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước, tham gia các trò chơi dân gian,...
+ Trường hợp 3. Bạn H cùng nhóm bạn hăng hái sưu tầm tư liệu về truyền thống hiếu học để tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Anh do trường tổ chức.
- Yêu cầu số 2: Những việc làm của bản thân và những người xung quanh trong việc thể hiện lòng tự hào về truyền thống của dân tộc Việt Nam
+ Tìm hiểu về các truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
+ Tôn trọng sự đa dạng văn hóa của các vùng miền, dân tộc.
+ Tích cực quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước,... về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
+ Bài trừ, phê phán những hủ tục, phong tục lạc hậu, ví dụ: tục tảo hôn; tổ chức ma chay, cưới hỏi linh đình gây tốn kém và lãng phí,…
Câu 4:
Em hãy tìm những câu ca dao, tục ngữ nói về truyền thống của dân tộc Việt Nam và giải thích ý nghĩa.
- Câu ca dao: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/ Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng”.
=> Ý nghĩa: phản ánh về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Câu ca dao muốn khuyên chúng ta: cần trân trọng, biết ơn thế hệ đi trước - những người đã lao động vất vả, tạo ra thành quả để chúng ta được thụ hưởng.
- Câu ca dao: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
=> Ý nghĩa: đề cao vai trò của sự đoàn kết trong cuộc sống.
- Câu ca dao: “Dạy con, con nhớ lấy lời/ Trọng cha, kính mẹ, suốt đời chớ quên”
=> Ý nghĩa: khuyên con người cần trân trọng, biết ơn công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ; luôn hiếu thảo và kính trọng cha mẹ.
- Câu tục ngữ: “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”
=> Ý nghĩa: khuyên con người cần kính trọng, biết ơn công lao dạy dỗ của thầy cô
- Câu tục ngữ: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
=> Ý nghĩa: Ca ngợi tinh thần yêu nước, bất khuất đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Câu 5:
Em hãy đọc nhận định dưới đây và thực hiện yêu cầu
Nhận định: Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, những giá trị tốt đẹp của văn hoá, con người Việt Nam ngày càng lan tỏa, chuyển hoá thành sức mạnh, tạo thành động lực để chúng ta vượt qua khó khăn, thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy lùi được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Yêu cầu:
- Em hãy trình bày giá trị của các truyền thống dân tộc Việt Nam được thể hiện trong đại dịch Covid - 19.
- Em hãy nêu những việc làm cần thiết để giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Yêu cầu số 1:
- Trong đại dịch Covid-19, nhân dân Việt Nam đã phát huy nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như: yêu nước, dũng cảm, đoàn kết, tương thân tương ái,..
- Các truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã:
+ Ngày càng lan tỏa, chuyển hoá thành sức mạnh, tạo thành động lực để chúng ta vượt qua khó khăn, thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy lùi được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
+ Góp phần tôi luyện thêm những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
+ Là nguồn sức mạnh nội sinh để các người Việt Nam xây dựng và phát triển bền vững đất nước.
Yêu cầu số 2:
- Để giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, mỗi chúng ta cần:
+ Tích cực tìm hiểu về các truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
+ Tôn trọng sự đa dạng văn hóa của các vùng miền, dân tộc.
+ Tích cực quảng bá, giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước,... về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
+ Bài trừ, phê phán những hủ tục, phong tục lạc hậu.
+ Hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện, hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng,… do nhà trường, địa phương tổ chức.
+ Phê phán việc làm, hành động thiếu ý thức trách nhiệm, đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, giá trị của cộng đồng….
Câu 6:
Em hãy đọc lời bài hát sau và trả lời câu hỏi
Câu hỏi:
- Theo em, vì sao tiếng Việt là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam?
- Em có suy nghĩ gì về một số bạn trẻ hiện nay thích dùng ngôn ngữ “chat”, viết tắt tuỳ ý, biến âm một cách cảm tính, sai chính tả,...? Bản thân em đã giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt như thế nào?
Yêu cầu số 1: Tiếng Việt là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, vì:
- Tiếng Việt là thành quả của sự sáng tạo của cha ông ta;
- Tiếng Việt được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc Việt Nam, được người Việt gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Yêu cầu số 2:
- Suy nghĩ: việc một số bạn trẻ hiện nay thích dùng ngôn ngữ “chat”, viết tắt tuỳ ý, biến âm một cách cảm tính, sai chính tả,... sẽ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Em không đồng tình với hành động này.
- Những việc bản thân em đã làm để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt:
+ Nói và viết đúng chuẩn mực về phát âm, chính tả chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp và phong cách ngôn ngữ.
+ Phê phán những hành vi: “pha tiếng” nước ngoài khi giao tiếp; lạm dụng “tiếng lóng”, ngôn ngữ “chat” trong giao tiếp,…
Câu 7:
Em hãy cho biết việc làm nào sau đây thể hiện sự kế thừa, phát huy truyền thống của dân tộc. Vì sao?
a) Tích cực tìm hiểu lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
b) Bắt chước theo thần tượng trong phim ảnh, mạng xã hội,... thiếu sự chọn lọc.
c) Chê bai những người mặc trang phục truyền thống là không phù hợp.
d) Tìm hiểu và giới thiệu với bạn bè quốc tế về các trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam.
e) Tham gia chương trình văn nghệ về chủ đề quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
- Những việc làm thể hiện sự kế thừa, phát huy truyền thống của dân tộc là:
+ Tích cực tìm hiểu lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
+ Tìm hiểu và giới thiệu với bạn bè quốc tế về các trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam.
+ Tham gia chương trình văn nghệ về chủ đề quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
- Vì: những việc làm này xuất phát từ sự trân trọng, hãnh diện về những giá trị truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ người Việt Nam đã sáng tạo, tích lũy và trao truyền lại.
Câu 8:
Em hãy viết đoạn văn bày tỏ lòng tự hào của bản thân đối với một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và đề xuất những việc làm cụ thể để giữ gìn, phát huy truyền thống đó trong thời kì hội nhập, phát triển.
(*) Tham khảo: đoạn văn bày tỏ lòng tự hào về truyền thống yêu nước
“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”. Đó là lời khẳng định đầy tự hào của chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước được hiểu là tình cảm yêu thương, gắn bó sâu nặng và tinh thần, trách nhiệm bảo vệ, dựng xây đất nước của con người. Cao hơn cả đấng sinh thành, đất nước như một mái nhà chung của tất cả những người dân đang chảy trong mình dòng máu Lạc Hồng. Chính vì vậy, lòng yêu nước tồn tại trong tất cả con người Việt Nam như một lẽ dĩ nhiên, thể hiện sự tự tôn, tự hào dân tộc, biết ơn sâu sắc với các thế hệ cha anh đi trước đã anh dũng dựng xây và bảo vệ đất nước.
Biểu hiện của lòng yêu nước là những hành động cụ thể, được minh chứng qua từng giai đoạn lịch sử. Trang sử vàng của dân tộc ta đã ghi danh biết bao vị anh hùng, chiến sĩ, thậm chí là nông dân dũng cảm, can trường xả thân vì đất nước. Hình ảnh chị Võ Thị Sáu gan dạ trước nòng súng quân giặc, anh Bế Văn Đàn, anh Phan Đình Giót,… và hàng ngàn con người Việt Nam đã khiến cả thế giới phải nể phục vì lòng yêu nước, dũng cảm, cứng rắn “như gang như thép”. Có thể thấy, lòng yêu nước là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thành công của đất nước ta trong cả kháng chiến lẫn công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thế hệ thanh thiếu niên cần không ngừng cố gắng học tập, làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc. Bên cạnh đó, chúng ta cần ngăn chặn triệt để các hành vi tuyên truyền phản động, biểu tình gây ảnh hưởng đến trật tự, an ninh đất nước.
Câu 9:
Em hãy làm việc nhóm để xây dựng kế hoạch và thực hiện hành động cụ thể nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam (truyền thống hiếu học, yêu nước, hiếu thảo,...)
(*) Gợi ý: Những việc làm cụ thể để phát huy truyền thống hiếu thảo:
- Luôn kính trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ.
- Yêu thương và giúp đỡ ông bà, cha mẹ những công việc phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của bản thân, ví dụ: dọn dẹp nhà cửa; giặt quần áo, rửa bát, nấu bữa cơm đơn giản, chăm sóc em,..
- Thường xuyên hỏi thăm, quan tâm đến sức khỏe của ông bà, cha mẹ
- Cần cù, sáng tạo trong học tập và lao động.
- Tôn trọng, lắng nghe những lời khuyên, sự định hướng của ông bà, cha mẹ.
- Thường xuyên tâm sự, chia sẻ những khó khăn với ông bà, cha mẹ,
- …
Câu 10:
Em hãy tuyên truyền, quảng bá về truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam bằng những sản phẩm như: báo tường, đoạn phim ngắn, âm nhạc, ca dao, tục ngữ,...
(*) Sản phẩm tham khảo 2: Bài thơ “Tri ân” (truyền thống tôn sư trọng đạo)
TRI ÂN
Thu tàn trời đã sang đông
Bồi hồi tấc dạ nhớ mong cô thầy
Người trao khát vọng hôm nay
Chắp cho đôi cánh em bay vào đời
Bao chuyến đò lặng không lời
Ươm mầm xanh tốt rạng ngời tương lai
Bên trang giáo án miệt mài
Hao gầy tâm huyết năm dài tháng qua
Từng câu, từng chữ ê a
Bao lời dạy dỗ thiết tha nồng nàn
Mỏi mòn khuya sớm gian nan
Nhiều đêm tắt tiếng ho khan quặn lòng
Bao thế hệ đã sang sông
Thầy cô luôn mãi vọng trông theo cùng
Mặc cho mưa gió bão bùng
Vẫn âm thầm thắp sáng vùng trời mơ
Hôm nay kính dệt vần thơ
Tri ân hai tiếng… vô bờ khắc ghi
Nẻo đời dẫu có thịnh suy
Dù bao gian khó mãi ghi ơn thầy
Mừng ngày nhà giáo hôm nay
Kính dâng lời chúc cô thầy muôn nơi
An khang hạnh phúc rạng ngời
Gia đình êm ấm trọn đời yêu thương
Dẫu cho cách trở ngàn phương
Lòng hoài khắc khoải vấn vương cô thầy…
(*) Sản phẩm tham khảo 2: Poster để tuyên truyền về tinh thần đoàn kết