Giải SGK Lịch sử và Địa Lý 4 Cánh diều Bài 9: Thăng Long Hà Nội có đáp án
Giải SGK Lịch sử và Địa Lý 4 Cánh diều Bài 9: Thăng Long Hà Nội có đáp án
-
91 lượt thi
-
10 câu hỏi
-
45 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Hà Nội là thủ đô của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nơi có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Em hãy kể tên những địa danh, di tích, thắng cảnh của Hà Nội mà em biết.
- Một số địa danh, di tích, thắng cảnh của Hà Nội là: chùa Thầy; chùa Hương; phố Cổ; hồ Hoàn Kiếm; khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám,…
Câu 2:
Đọc thông tin và quan sát các hình 1, em hãy:
• Xác định vị trí của Thăng Long - Hà Nội trên lược đồ. Hà Nội tiếp giáp với những tỉnh nào?
• Nêu đặc điểm tự nhiên của Thăng Long được thể hiện trong “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn. Thăng Long - Hà Nội còn có tên gọi nào khác?
• Yêu cầu số 1:
- Vị trí: Thăng Long - Hà Nội nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
- Tiếp giáp các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên; Bắc Giang; Bắc Ninh; Hưng Yên; Hà Nam; Hòa Bình.
• Yêu cầu số 2:
- Đặc điểm tự nhiên của Thăng Long được thể hiện trong “Chiếu dời đô”:
+ “ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh”.
+ “là nơi thắng địa, là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương”.
- Một số tên gọi khác của Thăng Long - Hà Nội: Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan,..
Câu 3:
Đọc thông tin, quan sát từ hình 2 đến hình 5, em hãy cho biết vì sao gọi là “Thăng Long tứ trấn”
- Ở bốn phía của thành Thăng Long có 4 ngôi đền được gọi là “Thăng Long tứ trấn”, đó là: đền Bạch Mã (trấn phía đông), đền Voi Phục (trấn phía tây), đền Kim Liên (trấn phía nam) và đền Quán Thánh (trấn phía bắc).
- Trong tín ngưỡng dân gian, 4 ngôi đền thờ các vị thần linh thiêng, trấn giữ bốn phía để bảo vệ kinh thành Thăng Long.
Câu 4:
Đọc thông tin và quan sát hình 6, em hãy cho biết vì sao có tên gọi là Hồ Gươm.
- Hồ Gươm trước đây có tên là hồ Tả Vọng. Tên gọi hồ Gươm gắn với câu truyện truyền thuyết về: vua Lê Lợi trả lại gươm báu cho Long Quân (sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn).
Câu 5:
Đọc thông tin và quan sát hình 7, em hãy kể lại câu chuyện về Hoàng Diệu chống thực dân Pháp.
- Kể lại câu chuyện:
+ Năm 1882, thực dân Pháp lấy cớ triều đình nhà Nguyễn vi phạm Hiệp ước Giáp Tuất để đem quân ra xâm lược Bắc Kì lần thứ hai.
+ Sáng ngày 25/4/1882, người Pháp đưa tối hậu thư buộc Tổng đốc Hoàng Diệu phải đầu hàng và ngay sau đó đã tấn công thành Hà Nội. Tổng đốc Hoàng Diệu lên mặt thành đốc quân chiến đấu quyết liệt.
+ Mặc dù Hoàng Diệu và quân đội triều đình quyết tâm bảo vệ, nhưng trước sức tấn công của quân Pháp thành Hà Nội thất thủ. Để giữ trọn khí tiết, Hoàng Diệu đã tuẫn tiết trong vườn Võ Miếu.
Câu 6:
Đọc thông tin và quan sát hình 8, em hãy trình bày tóm tắt về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.
- Từ ngày 18/12/1972, để huỷ diệt thành phố Hà Nội và các thành phố lớn của miền Bắc Việt Nam, Mỹ huy động hàng chục tốp máy bay B-52 và các loại máy bay khác ném bom vào cả bệnh viện, trường học, khu phố, bến xe,... ở Hà Nội làm cho hàng nghìn người chết và bị thương.
- Quân dân miền Bắc trong đó có Hà Nội đã kiên cường đánh trả máy bay Mỹ, trong 12 ngày đêm (từ ngày 18/12/1972 đến ngày 29/12/1972) đã bắn rơi 81 máy bay của Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52. Thắng lợi này đã buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, kí Hiệp định Pa-ri (Paris) năm 1973, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Câu 7:
Đọc thông tin và quan sát từ hình 9 đến hình 12, em hãy nêu dẫn chứng để khẳng định Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam.
- Về chính trị:
+ Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương.
+ Hà Nội cũng là nơi đặt trụ sở đại sứ quán của các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
- Về kinh tế: Hà Nội có nhiều ngành công nghiệp (cơ khí, hoá chất, điện tử, dệt may,...), khu công nghiệp và công nghệ cao (Nội Bài, Thăng Long. Sài Đồng. Hoà Lạc,...), nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn...
- Về văn hóa - giáo dục:
+ Hà Nội có nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng như: chùa Một Cột, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn Hà Nội,...
+ Hà Nội còn là nơi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, bảo tàng, thư viện,..., như: Đại học Sư phạm Hà Nội; Học viện An ninh nhân dân,…
Câu 8:
Vì sao Lý Công Uẩn lại chọn thành Đại La làm kinh đô?
- Vua Lý Thái Tổ chọn Đại La làm kinh đô, vì: Thành Đại La có vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển của đất nước. Cụ thể là:
+ Thành Đại La “ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh”.
+ Thành Đại La là nơi thắng địa, là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương.
Câu 9:
Vì sao chiến thắng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 của nhân dân miền Bắc trong đó có Hà Nội lại được gọi là chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không"?
- Chiến thắng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 của nhân dân miền Bắc trong đó có Hà Nội đã buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, kí Hiệp định Pa-ri (Paris) năm 1973, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Với ý nghĩa to lớn đó, chiến thắng này còn được gọi là “Điện Biên Phủ trên không”.
Câu 10:
Lựa chọn một trong hai nhiệm vụ dưới đây:
Nhiệm vụ 1. Hãy sưu tầm tư liệu và giới thiệu cho các bạn về một nhân vật hoặc một di tích lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội mà em yêu thích.
Nhiệm vụ 2. Hãy viết một đoạn văn thể hiện niềm tự hào của em về truyền thống lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.
(*) Lựa chọn: thực hiện nhiệm vụ 1
(*) Tham khảo: giới thiệu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám
- Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay thuộc địa bàn quận Đống Đa và Ba Đình, thành phố Hà Nội.
- Theo tư liệu lịch sử, năm 1070, Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, tứ phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa tế tự và cho Hoàng thái tử đến học. Năm 1076, triều đình lại cho lập Quốc Tử Giám. Năm 1253 (đời Trần), đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Tử viện. Đến đời Lê (năm 1483), đổi tên Quốc Tử viện thành Thái Học đường. Thời Nguyễn, khu vực này được đổi thành Văn Miếu Hà Nội.
- Trải qua thời gian gần 1000 năm, các công trình kiến trúc của di tích có sự thay đổi nhất định. Hiện nay, di tích còn bảo tồn được một số hạng mục kiến trúc thời Lê và thời Nguyễn. Khu nhà Thái Học mới được Nhà nước phục dựng năm 1999 - 2000.
- Dựa vào công năng kiến trúc, có thể chia di tích thành hai khu vực chính: Văn Miếu (nơi thờ tự tiên Nho) và Quốc Tử Giám (trường đào tạo trí thức Nho học).
- Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu của di tích, năm 1962, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Văn Miếu- Quốc Tử Giám là Di tích quốc gia; ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích quốc gia đặc biệt.