Phân tích bài thơ Thu ẩm (2 mẫu) mới nhất 2023 - Kết nối tri thức

Phân tích bài thơ Thu ẩm lớp 8 Kết nối tri thức gồm 2 bài văn mẫu 2023 mới, hay nhất giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 8 hay hơn.
334 lượt xem


Phân tích bài thơ Thu ẩm

Đề bài: Viết bài văn phân tích bài thơ "Thu ẩm" của Nguyễn Khuyến

Phân tích bài thơ Thu ẩm (mẫu 1)

Nguyễn Khuyễn là một nhà thơ tài năng, cốt cách thanh cao, một lòng yêu nước thương dân, từng từ bỏ chốn quan trường vốn là nơi có thể tu chí lập nghiệp vì chán ghét chính quyền thực dân Pháp và bộ máy nhà nước phong kiến thối nát. Ông có một sự nghiệp thơ từ đồ sộ bao gồm cả chữ Hán và Nôm, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến chùm thơ thu bằng chữ Nôm và Thu ẩm là một trong ba bài thơ nức danh đó.

Nhan đề "Thu ẩm" đại khái được hiểu là mùa thu, uống rượu, uống ở đây không phải là nốc ừng ực cả chai, cả bầu mà là sự nhâm nhi thưởng thức đầy văn nhã của một thi sĩ nhân cảnh mùa thu trữ tình. Hai câu đầu như sau:

"Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè."

Khác với Thu vịnh, cảnh mùa thu của Thu ẩm lại hiện lên trong đôi mắt của vị thi nhân ngà ngà men rượu là khung cảnh tối tăm, im ắng, đậm chất làng quê bình dị với "Năm gian nhà cỏ thấp le te". Nơi đây cũng chẳng sáng bừng ánh đèn như chốn phồn hoa kinh thành mà thay vào đó là những con "ngõ tối" cùng với ánh sáng "lập lòe" của đom đóm đang dạo đêm kiếm bạn. Là những màn sương đêm giăng "phất phơ" như màu "khói nhạt" bên lưng giậu, là hình ảnh "bóng trăng loe" nhàn nhạt đang "lóng lánh" trên mặt ao phẳng lặng trước sân nhà. Và hơn tất cả bầu trời mùa thu vẫn luôn là điểm nhấn đặc sắc với một màu "xanh ngắt" nền nã, trong trẻo, như được ai dồn hết cả tâm sức mà nhuộm lên. Trái ngược với cái màu xanh thanh mát của trời thu là sắc "đỏ hoe" ấm nóng trong đôi mắt của người đang âm thầm thưởng rượu, cảm nhận cái cảm giác được say.

Bài thơ đặc biệt ở chỗ trong sáu câu thơ đầu tả cảnh, tả người, nếu tinh ý người ta sẽ nhận ra được những nét bút cao thấp, gần xa, lúc đậm nhạt. Thấp trong "Năm gian nhà cỏ thấp le te", thấy được độ sâu của bóng "đêm sâu" dài hun hút, cũng thấy cả sương khói nhạt nhòa vương bên giậu cúc tần trồng trước nhà, lại thấy được cả cái màu "xanh ngắt" đậm đà trên nền trời cao thăm thẳm. Rồi cả cái mỏng nhẹ của ánh trăng "lóng lánh" khi bóng trăng phủ lên mặt ao, "loe" ra một màu nhàn nhạt như dát vàng. Đến câu "Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe", ta lại chợt mường tượng ra một đôi mắt hơi sâu, chứa đựng trong đó là một cánh cửa tâm hồn mơ màng trong men rượu, say trong cảnh mùa thu thanh tĩnh, dịu dàng.

Ở hai câu thơ cuối:

"Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy
Độ năm ba chén đã say nhè"

Đây là lời thi nhân, nhận xét vu vơ về rượu, nhà thơ thường nghe người đời ca tụng rượu là thú vui tao nhã, uống vào khoan khái tâm hồn, nhưng với nhà thơ ông lại thấy "hay chả mấy", ý bảo chẳng như lời đồn, làm chi có thứ tuyệt diệu thế. Thú vị hơn, thi nhân cũng không phải người biết uống rượu, thế nên "Độ năm ba chén đã say nhè", đôi khi ta suy nghĩ rằng liệu có phải thi nhân lần đầu hoặc hiếm khi uống rượu không nhỉ? Nếu vậy thì cớ sự nào khiến nhà thơ tìm đến rượu? Xưa nay người ta vẫn thường ví, uống rượu, câu cá, làm thơ là ba thú vui ta nhã của những kẻ ẩn dật, thong dong hay uống rượu, ngắm hoa, vịnh trăng là thú vui thanh cao tao nhã mà văn nhân, thi sĩ hay làm. Ở đây nhà thơ say nhưng cái cốt cách văn nhã, quân tử vẫn cò đó, chỉ bằng một từ nhẹ nhàng "say nhè", say nhưng không làm ồn ã, náo động mà chỉ đơn giản là yên ắng, âm thầm ngả lưng xuống chiếu, mở đôi mắt đỏ hoe ngắm trăng ngắm trời rồi thiu thiu vào giấc ngủ. Cái khung cảnh uống rượu của Nguyễn Khuyến khiến chúng ta liên tưởng đến sự cô đơn trống vắng trong từng cảnh vật và cả trong tâm tưởng của nhà thơ. Bởi chỉ nhìn phong thái uống rượu ta cũng đã nhận ra Nguyễn Khuyến buồn, thứ nhất là buồn trước thế sự đổi thay, đất nước loạn lạc, tiếp nữa là buồn trước cảnh cô đơn của bản thân khi những người thân yêu lần lượt ra đi trước, chịu cảnh kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh. Còn một mình nhà thơ ở lại sống lay lắt với những chứng bệnh tật tuổi già, chẳng còn cách nào để quên, ông bèn tìm đến rượu, bởi với ông chỉ vài ba chén đã say, mà say thì ngủ, ngủ thì không nhớ, không sầu. Thật xót xa cho bậc quân tử lại tài năng mà gặp thời cuộc xui rủi, nhiễu nhương.

Thu ẩm của Nguyến Khuyến là cảnh thu, chén rượu đắng cay của thi nhân trước khốn cảnh cuộc đời. Cả bài thơ ngoại trừ nhan đề, chẳng ai thấy tác giả nhắc đến chữ "thu" nào nữa cả, nhưng đấy lại là cái hay và độc đáo của một bài thơ tưởng không phải mùa thu mà lại là mùa thu. Một mùa thu nhẹ nhàng, trầm lắng, man mác nỗi buồn, nỗi cô đơn của thi nhân, qua đó cũng thấy được sự tinh tế và tài năng trong phong cách làm thơ của Nguyễn Khuyến.

Phân tích bài thơ Thu ẩm (mẫu 2)

Thu ẩm có nghĩa là mùa thu uống rượu. Đây là một trong ba bài thơ Nôm nói về mùa thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến: Thu điếu (Mùa thu câu cá), Thu vịnh (Mùa thu làm thơ), Thu ẩm (Mùa thu uống rượu). Chùm thơ này là dáng thu, hồn thu của đồng bằng Bắc Bộ thời xưa. Mỗi bài thơ mang những dáng thu riêng và những nét tâm tình riêng. Thấm đượm vào cảnh vật là tâm trạng băn khoăn, u uất của nhà thơ trước tình cảnh đất nước rơi vào tay giặc.

Dáng thu trong Thu vịnh thăm thẳm, xa vời, quen mà lạ. Trời thu thì xanh ngát những mấy từng cao; khóm tre thu nhỏ lại trong hinh ảnh cần trúc, sương như khói phủ thành tầng trên mặt nước, song thưa để mặc bóng tràng vào, hoa năm nay bỗng thành hoa năm ngoái, tiếng ngỗng thảng thốt, mơ hổ… Hồn thu như lắng chìm vào bôn trong, ẩn chứa ở chiều sâu.

Dáng thu, hồn thu ở bài Thu điếu lại chất chứa trong sự thu nhỏ và lặng im của cảnh vật: chiếc thuyền câu bé tẻo teo, nước biếc trên mặt ao chỉ gợn tí, lá vàng khẽ rơi vèo không thành tiếng, tiếng cá đớp động rất nhẹ dưới chân bèo. Tất cả đều im lìm, tĩnh mịch. Tưởng chừng như ông câu cũng hoá đá trong tư thế tựa gối ôm cần. Tâm tư cụ Tam Nguyên ngụ trong sự chờ đợi mỏi mòn giữa không khí yên lặng gần như tuyệt đối.

Trở lại với hai bài thơ thu kia mấy dòng như vậy là có ý so sánh đế nhìn được rõ hơn dáng thu, hồn thu và tâm tư nhà thơ trong bài Thu ẩm này, ở đây, dáng thu, hồn thu và cả tâm tư nhà thơ có khác.

Cảnh vật vẫn là những cảnh vật quen thuộc. Từ nhà, từ vườn của cụ Tam Nguyên nhìn ra cánh đồng, cái ao, rặng tre, hàng giậu, ngõ xóm quanh co, hun hút, trời xanh trên đầu, khói phủ mặt nước, bóng trăng trong ao. Khác một chút là ở đây, Nguyễn Khuyến không còn là nhà thơ, là ông câu mà là ông già khề khà chén rượu giải sầu. Nhưng cũng chính vì cái khác ấy mà cảnh vật dường như biến đổi, đầy bất ngờ và thú vị .

Hai câu đề:

Ba gian nhà cỏ thấp le te,

Ngõ tối đêm sâu, đóm lập loè.

Nhà tranh mà gọi là nhà cỏ thì giá trị đã hạ xuống một bậc nhưng chữ nghĩa khác nhau chưa mấy. Nhưng thấp le te thi đã rõ ra là lụp xụp và chẳng còn lành lặn, mái tranh đã rách nát, xác xơ đổi dạng. Tiếp theo, ngõ tối và đêm sâu là cảnh bình thường nhưng ánh lửa đom đóm lập loè lúc tối, lúc sáng làm cho ngõ tối và đêm sâu cũng biến dạng.

Hai câu thực:

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.

Sương thu lớt phớt như làn khói mỏng phủ lên bờ giậu, khiến cho rặng cây cũng nhạt bớt màu đêm. Đặc biệt tài tình là hình ảnh mặt ao lăn tăn gợn sóng, lóng lánh bóng trăng. Bóng trăng trên mặt nước lúc dồn lại, lúc loe ra, biến dạng liên tiếp.

Hai câu luận:

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.

Nguyễn Khuyến tả cảnh trời và cảnh mình. Dường như bầu trời và con người đều bị một thế lực vô hình nấo đó làm cho biến đổi: Da trời không biết ai nhuộm mà xanh ngắt, mắt mình không vầy sao cũng đỏ hoe? Hay là do say rượu ? Say rượu cũng thường đỏ mắt. Chữ ai trong câu thơ lấp lửng một mối hoài nghi lấp lửng nhưng không vô ý. Đây cũng là biểu hiện tâm trạng của nhà thơ chăng? Hay là nó cũng cùng một mạch với cảm nhận hoa năm nay mà nhìn ra hoa năm ngoái và nghe tiếng ngỗng văng vẳng trên không mà giật mình tự hỏi là ngỗng nước nào ? Tâm tư nhà thơ trĩu nặng trước cảnh đất nước bị lũ giặc ngoại xâm giày xéo mà mình thì đau đớn, day dứt khồng nguôi.

Cuối cùng là tửu lượng của nhà thơ cũng chẳng còn bình thường: Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy, Chỉ dăm ba chén đã say nhè. Tại sao cảnh vật lại có sự biến hình đổi dạng như thế? Do người nhìn say rượu chăng bởi khi say thì nhìn một hoá thành hai, thành ba hoặc nhạt nhoà tất cả. Sự vật biến đổi hình dáng, màu sắc, đường nét rối lên, nhoè ra, chập lại, lảo đảo như say.

Âm thanh bài thơ cũng theo điệu ấy. Rõ nhất và cũng bất ngờ nhất, thú vị nhất là ở các từ: le te, lập loè, loe, đỏ hoe, say nhè. Tất cả các từ quy vào âm chủ đạo là e: từ nhè, say nhè mà ra rồi nhoè ra thành nguyên âm đôi oè (lập /oè), oe (loe, hoe), các vần này cũng lảo đảo say theo, say mạnh hơn. Cảnh vật cũng như say: ánh sáng đom đóm hoá lập loè, bóng trăng chập chờn loe ra theo làn sóng, mắt người tự nhiên cũng đỏ hoe. Trong câu: Làn ao lóng lánh bóng trăng loe có đến bốn tiếng có phụ âm l nối tiếp nhau, càng làm tăng gấp bội cái cảm giác ngửa nghiêng, chao đảo không chĩ ở bóng trăng mà ở cả mặt ao, làn nước và từ đó lan toả ra toàn bài để rồi kết thúc bằng hai chữ say nhè.

Nhà thơ một mình đối diện với bầu rượu trong đêm thu vắng. Sau dăm ba chén, hơi men đã khơi dậy tâm tư. Nỗi xúc động sâu xa trong tâm hồn nhà thơ thấm vào cảnh vật, đồng điệu với dáng thu, hồn thu. Cái hay, cái tài của bài thơ Thu ẩm là ở đó. Nhà thơ buồn bã, day dứt không nguôi trước vận nước rối ren, đành mượn vài chén rượu giải khuây nhưng càng uống lại càng thấy nỗi niềm đó hiện ra rõ rệt hơn, làm lảo đảo đến cả cảnh vật đêm thu. Đã có lúc không uống rượu và tâm trạng dường như vui hơn, cụ Tam Nguyên tự cười mình và cũng thấy mình chuếnh choáng: Khấp khểnh ba chân dở tĩnh say kia mà.

Bài viết liên quan

334 lượt xem