Bài 1: Tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ - SBT GDCD 6 - Bộ Chân trời sáng tạo
-
6839 lượt thi
-
7 câu hỏi
-
30 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Em hiểu thế nào là giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ? Ý nghĩa của việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.
- Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ là tiếp nối, phát triển và làm rạng rỡ thêm truyền thống về văn hóa, đạo đức, lao động, nghề nghiệp, học tập… Tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ là thể hiện sự hài lòng, hãnh diện về các giá trị tốt đẹp mà gia đình, dòng họ đã tạo ra.
- Ý nghĩa của việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ: Truyền thống của gia đình, dòng họ giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm, động lực, vượt qua khó khăn, thử thách và nỗ lực vươn lên để thành công. Việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ có ý nghĩa tích cực, quan trọng đối với gia đình và xã hội, góp phần làm phong phú truyền thống, bản sắc dân tộc Việt Nam.
Câu 2:
Hãy nêu một vài biểu hiện đúng và chưa đúng của việc tự hào về truyền thống của gia đình, dòng họ.
- Biểu hiện đúng của việc tự hào về truyền thống của gia đình, dòng họ:
+ Con cháu tìm hiểu về truyền thống gia đình mình qua việc hỏi han, trò chuyện với ông bà, bố mẹ.
+ Mọi người trong gia đình, dòng họ biết trân trọng, tự hào truyền thống tốt đẹp.
+ Con cháu hăm học, chăm làm, yêu thương bạn bè và thầy cô, yêu nước, kính trọng người lớn tuổi…
+ Mọi người trong gia đình, dòng họ không làm điều gì tổn hại đến thanh danh gia đình, dòng họ.
+ Ông bà, cha mẹ phát động mọi người, con cháu trong gia đình đi theo nét đẹp truyền thống của gia đình, của dòng họ
+ Ông bà, cha mẹ làm gương, nâng cao ý thức của các con cháu trong gia đình, dòng họ
- Biểu hiện chưa đúng của việc tự hào về truyền thống của gia đình, dòng họ:
+ Ông bà, cha mẹ không gương mẫu, không bảo ban con cháu về truyền thống của gia đình, dòng họ.
+ Xấu hổ vì gia đình, dòng họ nghèo, không có gì đáng tự hào.
+ Không chịu tìm hiểu về truyền thống gia đình mình.
+ Làm ăn bất chính gây tổn hại đến thanh danh gia đình, dòng họ.
+ Phân biệt đối xử trong gia đình, gây mất đoàn kết giữa các dòng họ trong làng, xã.
Câu 3:
Có ý kiến cho rằng “Gia đình, dòng họ nào cũng có những truyền thống tốt đẹp”. Em đồng tình hay phản đối ý kiến đó? Vì sao?
Em đồng ý với ý kiến đó. Vì những truyền thống tốt đẹp của gia đình cũng có thể xuất phát từ: truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó, yêu nước… đó là những truyền thống mà không một gia đình nào là không có.
Câu 4:
Chọn câu trả lời đúng.
Câu 1. Tiếp nổi, phát triển và làm rạng rỡ thêm truyền thống của gia đình, dòng họ là thể hiện
A. thế nào là giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.
B. ý nghĩa của giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.
C. cách rèn luyện để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.
D. lí do phải giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.
Câu 2. “Tiếp nổi, phát triển và làm rạng rỡ thêm truyền thống của gia đình, dòng họ” là câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi nào dưới đây?
A. Thế nào là giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.
B. Cho biết ý nghĩa của việc giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.
C. Cho biết cách rèn luyện để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.
D. Cho biết nguyên nhân phải giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.
Câu 3. Trong những hành vi dưới đây, hành vị nào góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ?
A. Giữ gìn mọi thói quen, cách làm cũ của gia đình, dòng họ
B. Xoá bỏ các hủ tục lạc hậu của gia đình, dòng họ
C. Tự ti vì gia đình không có ai học hành cao
D. Chê bai những thói quen không tốt của gia đình, dòng họ
Câu 4. Trong những hành vi đưới đây, hành vi nào góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ?
A. Chỉ làm theo cách mà ông bà, cha mẹ đã làm
B. Bảo vệ và giữ gìn mọi thói quen cũ của gia đình, dòng họ
C. Không muốn theo nghề của gia đình vì cho rằng đó là nghề tầm thường
D. Thay đổi cách làm để những truyền thống của gia đình, dòng họ ngày càng được phát triển
Câu 5. Trong những hành vi dưới đây, hành vi nào không góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ?
A. Nói và làm những việc theo ý thích của mình, không quan tâm đến danh dự của gia đình, dòng họ
B. Xoá bỏ các thói quen xấu của gia đình, dòng họ
C. Không coi thường thanh danh của gia đình, dòng họ
D. Tự hào về những truyền thống đạo đức của gia đình, dòng họ
Câu 6. Minh luôn cố gắng học tập để xứng đáng với truyền thống hiếu học của dòng họ mình, Việc làm của Minh cho thấy Minh là người
A. Biết phát huy truyền thống của dòng học
B. Bảo thủ, lạc hậu
C. Coi thường truyền thống gia đình
D. Làm tổn hại đến truyền thống của dòng họ
Câu 1. A
Câu 2. A
Câu 3. B
Câu 4. D
Câu 5. A
Câu 6. A
Câu 5:
Đọc các thông tin và trả lời câu hỏi.
1. Trang là con út trong một gia đình ở nông thôn. Nhiều đời nay, trong dòng họ của Trang không có ai đỗ đạt hay làm chức vụ gì quan trọng. Trang thấy không có gì để tự hào về dòng họ của mình.
2. Gia đình Giàng A có truyền thống làm thẩy mo, thấy cúng. Vì vậy, Giàng A thường xuyên nghỉ học để giúp cha mình đi cúng chữa bệnh cho mọi người.
3. Bố mẹ Long đều là tiến sĩ và đảm đương những chức vụ quan trọng ở cơ quan. Long rất hãnh diện với bạn bè. Cậu cho rằng bổ mẹ mình thành đạt như vậy sau này thừa sức lo cho con cái, mình chẳng cần phải học hành làm gì cho vất vả.
Câu hỏi:
- Em đồng tình hay phản đối việc làm của Trang, Giàng A, Long trong thông tin trên? Vì sao?
- Em hãy nêu một số biểu hiện của việc phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ và những tập tục lạc hậu cần xoá bỏ?
- Nếu là bạn của Trang, Giàng A và Long, em sẽ khuyên các bạn điều gì để thể hiện đúng đắn lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ?
- Em phản đối việc làm của Trang, Giàng A, Long trong thông tin trên. Vì những hành vi trên là những hành vi không biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Chúng ta cần phải thấy biết ơn, coi trọng và tự hào phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ và phải sống trong sạch, lương thiện, không làm điều gì tổn hại đến thanh danh của gia đình, dòng họ.
- Biểu hiện của việc phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ và những tập tục lạc hậu cần xoá bỏ:
+ Biểu hiện của việc phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ: Học tập tốt, rèn luyện tu dưỡng đạo đức góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp; tự hào về những truyền thống của gia đình, dân tộc; không làm gì tổn hại đến thanh danh gia đình, dòng họ…
+ Những tập tục lạc hậu cần xoá bỏ như: tảo hôn, trọng nam khinh nữ, chữa bệnh bằng cúng bái, mê tín dị đoan…
- Nếu là bạn của Trang, Giàng A và Long, em sẽ khuyên các bạn:
+ Với Trang: Gia đình, dòng họ nào cũng có truyền thống tốt đẹp chính vì thế Trang không nên có suy nghĩ rằng dòng họ Trang không có gì tự hào vì đơn giản những truyển thồng tốt đẹp như chăm chỉ, sống trong sạch thiện lương cũng là một truyền thống tốt đẹp. Trang nên học hành thật tốt để có thể phát huy cũng như để dòng họ mình có thêm những truyền thống tốt đẹp hơn.
+ Với Giàng A: Giàng A đã có ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ. Việc chữa bệnh, cứu người là rất đáng quý nhưng chữa bệnh bằng cúng bái thì không khoa học. Ngoài ra, Giàng A không nên thường xuyên nghỉ học như vậy. Việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với mỗi đứa trẻ. Bạn nên đi học đầy đủ để sau này trở thành một bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người và có kiến thức để tuyên truyền cho gia đình, dòng họ về những tập tục lạc hậu cần xoá bỏ.
+ Với Long: Bạn không nên tự phụ như vậy, bạn cần trân trọng những gì đang có và cần không ngừng học tập phấn đấu hơn nữa để có thể phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình.
Câu 6:
Em hãy viết khoàng 10 dòng giới thiệu về một tấm gương giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình dòng họ mà em cảm phục. Em học tập được điều gì từ tấm gương đó?
Ví dụ 1: Linh sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, nhiều người thành đạt và giữ chức vụ cao. Từ nhỏ, Linh đã luôn nỗ lực, kiên trì rèn luyện học tập. Chính vì vậy năm nào Linh cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngoài học giỏi Linh còn rất chăm chỉ giúp đỡ bố mẹ công việc nhà. Linh biết tự làm các công việc cá nhân và còn biết chăm sóc ông bà, bố mẹ khi họ ốm đau, mệt mỏi. Ở trường Linh là lớp trưởng của lớp. Linh luôn năng động và có trách nhiệm trong các hoạt động của trường, lớp. Em cảm thấy Linh là một tấm gương về giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình dòng họ. Tuy bạn được sinh ra trong một gia đình danh giá nhưng bạn không hề tự phụ, kiêu căng và ỷ lại mà rất tự chủ, năng động với cuộc sống của mình. Em sẽ học tập bạn để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình dòng họ.
Ví dụ 2: Năm nào cũng vậy, Linh luôn háo hức mong chờ đến sáng mùng một Tết Nguyên đán. Khi đó, mọi thành viên trong gia đình đều tụ họp đông đủ, cùng nhau đi chúc tết ông bà và những người thân trong gia đình, dòng họ. Tết năm nay Linh còn học được nhiều lời chúc ý nghĩa để chúc mừng ông bà, cha mẹ và những người thân. Linh đã phát huy truyền thống gia đình kính trên nhường dưới, yêu thương ông bà, giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc bằng hành động cùng gia đình sum họp, sưu tầm lời chúc ý nghĩa để chúc mừng ông bà, bố mẹ và những người thân. Những việc làm của Linh giúp cho người thân hạnh phúc, tự hào. Đó chính là việc làm thể hiện sự tự hào về truyền thống gia đình và tiếp nối, phát huy truyền thống tốt đẹp đó.
Câu 7:
4 nhóm HS hãy vẽ và thuyết trình ngắn gọn ứng với 4 câu tục ngữ sau:
- Đói cho sạch rách cho thơm.
- Chị ngã em nâng.
- Trên kính, dưới nhường.
- Học ăn, học nói, học gói, học mở.
- Đói cho sạch rách cho thơm: Hình ảnh “đói” và “rách”nói lên hoàn cảnh thiếu thốn, khổ cực của cuộc sống. “Sạch” và “thơm” thể hiện lối sống trong sạch, trung thực và biết giữ gìn phẩm chất con người trước những cám dỗ của vật chất. Câu tục ngữ có tính khuyên dạy rất cao đó là phải biết giữ gìn phẩm giá, nhân cách của con người trước hoàn cảnh khác nhau.
- Chị ngã em nâng: Khi chị ngã em sẽ nâng chị dậy. Thể hiện tình cảm của hai chị em trong gia đình luôn tương trợ, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, khi khó khăn và khi gian nan nhất.
- Trên kính, dưới nhường: Có nghĩa là lễ phép, tôn trọng người lớn tuổi và nhường nhịn người nhỏ tuổi hơn mình. Đối với những người lớn tuổi phải biết tôn trọng, lễ phép, còn đối với người nhỏ tuổi hơn mình thì mình phải nhường nhịn bỏ qua những lỗi lầm mà họ đã làm sai đối với mình.
- Học ăn, học nói, học gói, học mở: Chữ “học” được lặp lại bốn lần, điều đó nhấn mạnh, chúng ta cần luôn học hỏi mọi điều trong cuộc sống, dù là những điều nhỏ nhất. Thứ nhất là học cách ăn uống, cần biết các phép tắc ăn uống lịch sự, tế nhị. Văn hóa Việt Nam coi trọng cách ăn tập thể, đông người, tính cách con người được thể hiện qua văn hóa ăn uống và ứng xử bên mâm cơm. Thứ hai là học cách nói năng, lễ độ với người lớn tuổi và hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa. Lời nói cần nhẹ nhàng, nói những điều hay lẽ phải bởi “lời nói chẳng mất tiền mua”. Tuy nhiên cần tránh những lời giả dối, xu nịnh hay nói xấu, nói sai cho người khác. Học hỏi từ cuộc sống, chúng ta cần cả “học gói, học mở”, biết làm theo thứ tự trước – sau cho đúng, biết sắp xếp công việc cho hợp lí. Theo cách hiểu khác, học gói còn học cách tiết kiệm chi tiêu, không lãng phí tiền bạc còn học mở là học cách mở lòng để bao dung và giúp đỡ người khác.