Giải SBT Tin 10 KNTT Bài 8. Mạng máy tính trong cuộc sống hiện đại có đáp án
Giải SBT Tin 10 KNTT Bài 8. Mạng máy tính trong cuộc sống hiện đại có đáp án
-
159 lượt thi
-
10 câu hỏi
-
30 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Phát biểu nào dưới đây là đúng?
A. Mạng LAN là mạng mà các máy tính được kết nối trực tiếp với nhau qua cáp truyền tín hiệu.
B. Mạng LAN là mạng kết nối các máy tính trong một quy mô địa lí nhỏ.
C. Các máy tính trong mạng LAN cần được đặt trong một phòng.
D. Mạng LAN là mạng mà các máy tính được kết nối qua cùng một bộ thu phát wifi.
Đáp án đúng là: B
- B đúng vì: Mạng LAN là mạng kết nối các máy tính trong một quy mô địa lí nhỏ có thể có dây hoặc không dây.
- A sai vì mạng LAN có thể kết nối không dây, không nhất thiết phải dùng cáp.
- C sai vì các máy tính trong mạng LAN không nhất thiết phải ở trong một phòng. Mạng LAN của trường học có thể gồm nhiều máy tính ở nhiều phòng khác nhau.
- D sai vì máy tính có thể kết nối vào mạng LAN bằng cáp tín hiệu, không nhất thiết kết nối không dây qua bộ thu phát wifi.
Câu 2:
Trường em có hai phòng máy thực hành cạnh nhau, các máy tính trong mỗi phòng kết nối với nhau qua một mạng LAN. Nếu kết nối hai phòng lại với nhau, trường hợp nào tạo ra một mạng LAN? trường hợp nào tạo ra một mạng WAN?
- Nếu nối HUB, Switch, wifi của của hai phòng qua một HUB hay Switch khác thì mạng LAN của hai phòng nhập thành một mạng LAN lớn hơn.
- Nếu mỗi mạng LAN đều kết nối ra Internet một cách độc lập và kết nối giữa hai mạng thông qua Internet thì ta có mạng WAN.
Câu 3:
Phương án nào dưới đây là đúng?
A. Mỹ là quốc gia sáng tạo ra Internet nên cũng là chủ sở hữu Internet. Các quốc gia khác muốn tham gia vào Internet đều phải được phép của Chính phủ Mỹ.
B. Internet do Liên hợp quốc quản lí. Các quốc gia đều có quyền sử dụng Internet. Ai cũng có thể tự kết nối vào mạng Internet.
C. Internet không có chủ nhưng có một tổ chức điều phối kĩ thuật và chính sách. Các tổ chức hay cá nhân tự nguyện tham gia vào Internet. Để được kết nối, họ sử dụng dịch vụ kết nối của các nhà cung cấp dịch vụ Internet.
D. Internet được hình thành một cách tự phát, các tổ chức hay cá nhân tự thoải thuận với nhau hoặc thuê qua một nhà cung cấp dịch vụ đường truyền để kết nối với nhau.
Đáp án đúng là: C
Internet không có chủ nhưng có một tổ chức điều phối kĩ thuật và chính sách. Các tổ chức hay cá nhân tự nguyện tham gia vào Internet. Để được kết nối, họ sử dụng dịch vụ kết nối của các nhà cung cấp dịch vụ Internet.
Câu 4:
Phát biểu nào đúng?
A. Bất cứ dịch vụ trực tuyến nào (dịch vụ tương tác qua Internet) đều là dịch vụ đám mây.
B. Báo điện tử đăng tin tức hàng ngày là dịch vụ đám mây.
C. Nhắn tin ngắn trên điện thoại (SMS) là sử dụng dịch vụ đám mây.
D. Web-mail (thư điện tử trên giao diện web) là dịch vụ đám mây.
Đáp án đúng là: D
D đúng. Web-mail là dịch vụ đám mây, người sử dụng phải thuê bao dịch vụ thư điện tử (dịch vụ phần mềm).
- A, B sai vì dịch vụ cung cấp dữ liệu không cần qua thuê bao như xem báo điện tử không phải là dịch vụ đám mây.
- C sai vì nhắn tin ngắn trên điện thoại (SMS) không cần chạy trên Internet.
Câu 5:
Gọi điện thoại miễn phí qua Zalo, Messenger trên Facebook hay Viber có phải là dịch vụ đám mây không? Tại sao?
Gọi điện thoại qua Zalo, Messenger trên Facebook hay Viber là dịch vụ đám mây. Trong trường hợp này, người dùng đã phải thuê bao phần mềm và chạy từ một máy chủ cung cấp dịch vụ trên Internet, dù không phải trả tiền.
Câu 6:
Phát biểu nào đúng?
A. IoT là mạng kết nối các thiết bị thông minh thông qua mạng Internet nhằm thu thập dữ liệu trên phạm vi toàn cầu.
B. IoT là mạng của các thiết bị thông minh nhằm thu thập và xử lí dữ liệu tự động.
C. IoT là mạng của các thiết bị tiếp nhận tín hiệu.
D. IoT là mạng của các máy tính, nhằm trao đổi dữ liệu với nhau.
Đáp án đúng là: B
- B đúng. IoT là mạng của các thiết bị thông minh nhằm thu thập và xử lí dữ liệu tự động trên một phạm vi rộng.
- A sai vì không phải một mạng IoT nào cũng kết nối qua mạng Internet nhằm thu thập dữ liệu trên phạm vi toàn cầu.
- C sai vì nếu chỉ tiếp nhận tín hiệu mà không có số hoá và truyền dữ liệu cho nhau trong một ứng dụng nào đó thì không phải là mạng IoT.
- D sai vì định nghĩa này chỉ là mạng máy tính mà không phải là mạng IoT.
Câu 7:
Camera an ninh trước đây thường hiển thị hình ảnh trực tiếp lên màn hình giám sát và ghi hình liên tục vào đĩa cứng máy tính để lúc cần có thể xem lại.
Ngày nay các gia đình thường dùng IP camera có gắn thẻ nhớ và có kết nối với Internet. Chúng hoạt động như sau:
- Camera có bộ xử lí, luôn phân tích hình ảnh nhận được, chỉ khi nào thấy ảnh động mới ghi hình và lưu thành từng clip ngắn khoảng vài phút. Nếu thẻ đã đầy thì camera tự động xoá clip cũ nhất để lấy chỗ cho clip mới.
- (Những) người sử dụng cài đặt trên điện thoại thông minh một app giám sát.
- Trong chế độ trực tuyến (online), có thể đặt chế độ cảnh báo online, khi nào có ảnh động thì camera gửi cảnh báo về điện thoại di động. Khi thấy có cảnh báo, nếu muốn xem, người sử dụng chọn chế độ xem, video được gửi tới điện thoại.
- Trong chế độ ngoại tuyến (offline), lúc mở app, người sử dụng sẽ thấy danh sách các clip theo trình tự thời gian, có thể mở để xem. Hệ thống camera an ninh này có phải là hệ thống IoT không? Vì sao? Em hãy nêu lợi ích của nó so với giải pháp trước đây (dùng máy tính tại chỗ ghi hình
- Hệ thống camera gia đình tương tác với các thiết bị giám sát như máy tính, điện thoại di động qua mạng chính là một hệ thống IoT.
- Thuật ngữ IP camera chỉ các camera giao tiếp trên nền tảng Internet. IP camera là thiết bị thông minh, không chỉ ghi hình mà nó phân tích ảnh, nếu thấy ảnh thu được thay đổi nhiều, chứng tỏ cảnh động (có ý nghĩa) thì mới ghi lại dữ liệu, giúp giảm được khối lượng lưu trữ. Mặt khác, do kết nối được qua Internet mà người dùng có thể quan sát và điều khiển camera ở khắp nơi, không phải sử dụng máy tính tại chỗ. Chi phí cho hệ thống thấp, vì không cần máy tính độc lập với ổ cứng lớn, không cần sử dụng dây cáp nối với máy tính. Việc lắp đặt và cấu hình hệ thống đơn giản.
Câu 8:
Em có biết một ứng dụng IoT nào không? Nếu có hãy mô tả ứng dụng đó.
- Hệ thống cảnh báo động đất, sóng thần của những nước thường bị động đất như Nhật Bản, Indonesia: Hệ thống gồm các cảm biến đo các chấn động của vỏ Trái Đất. Các dữ liệu được thu thập tự động chuyển về trung tâm xử lí để dự báo. Trong trường hợp có nguy cơ, hệ thống có thể gửi tín hiệu báo động đến các máy phát hoặc gửi tin nhắn đến điện thoại của người dân trong vùng có nguy cơ.
- Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh: Trong thời kì đại dịch Covid-19, nhiều nước đã áp dụng công nghệ thông tin để cảnh báo dịch bệnh. Ở Việt Nam, phần mềm Bluezone trên điện thoại là một hệ thống như vậy. Ngoài chức năng nhận thông báo từ các cơ quan chính phủ, khai báo y tế hay đăng kí tiêm chủng, có một chức năng hoạt động theo kiểu IoT kết nối giữa các điện thoại thông minh qua bluetooth. Nếu điện thoại phát hiện có tiếp xúc gần với một đối tượng có nguy cơ lây nhiễm là F0, hay F1 thì người đó được cảnh báo và tự động được gán F1 hay F2. Việc này không chỉ giúp cảnh báo cho người tiếp xúc gần mà còn giúp cơ quan y tế truy vết.
- Ô tô tự lái có các cảm biến để nhận biết biển báo, chướng ngại vật, có hệ thống định vị GPS để định vị trên bản đồ số, tất cả các dữ liệu này được xử lí để lái tự động.
Câu 9:
Em hãy kể tên một số dịch vụ điện toán đám mây mà em biết.
- Ứng dụng đặt xe taxi như: Uber, Grab, Bee, Mailinh.
- Ứng dụng bán hàng qua mạng (thuê dịch vụ giới thiệu hàng, kết nối với khách hàng, tiếp nhận yêu cầu, giao hàng và thanh toán) như: Shopee, Sendo, Tiki, ...
Câu 10:
Em hãy kể một số ứng dụng sử dụng mạng máy tính trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh.
- Các website đăng tải các thông tin về phòng chống dịch bệnh.
- Các app để khai báo y tế trực tuyến (ví dụ, trong thời kì chống dịch Covid-19 có các app ncovi, sskdt (sổ sức khoẻ điện tử).
- Các app truy vết qua bluetooth như Bluezone.