Bài tập Bài 10: Pháp luật hình sự với người chưa thành niên có đáp án
Bài tập Bài 10: Pháp luật hình sự với người chưa thành niên có đáp án
-
51 lượt thi
-
13 câu hỏi
-
30 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Em hãy chia sẻ những điều em biết về người chưa thành niên và những quy định của pháp luật dành cho người dưới 18 tuổi phạm tội.
- Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 thì người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Người chưa thành niên được chia thành 03 nhóm:
+ Người chưa đủ sáu tuổi: Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
+ Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi: Khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
+ Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi: Tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
- Những quy định của pháp luật dành cho người dưới 18 tuổi phạm tội: theo quy định của Pháp luật hình sự, các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn…
Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo
Câu 2:
Em hãy đọc các trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi.
Trường hợp 1. A (17 tuổi) phạm tội trộm cắp tài sản trị giá 5 triệu đồng (tội phạm ít nghiêm trọng, theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự). Cách đây 2 năm, A đã phạm tội cướp tài sản (Điều 168 Bộ luật Hình sự) và bị áp dụng biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Sau khi chấp hành xong thời hạn, trở về với xã hội A lại tiếp tục hút chích ma tuý, đánh bạc và thường xuyên gây gổ với mọi người. Vì vậy, với tội trộm cắp tài sản lần này việc miễn trách nhiệm hình sự với A là không thể, các cơ quan có thẩm quyền cần áp dụng các biện pháp xử lí hình sự mạnh hơn.
Trường hợp 2. C bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người (theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự), có mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình. A thực hiện hành vi phạm tội khi 16 tuổi 9 tháng.
Câu hỏi:
a) Em hãy căn cứ vào thông tin để xác định những nguyên tắc xử lí hình sự đối với người dưới 18 tuổi được thể hiện trong từng trường hợp.
b) Em hãy bình luận tính nhân đạo khi xử lí hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Yêu cầu a) Những nguyên tắc xử lí hình sự đối với người dưới 18 tuổi được thể hiện trong từng trường hợp.
- Trường hợp 1:
+ Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
+ Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc áp dụng các biện pháp giáo dục không hiệu quả.
- Trường hợp 2:
+ Không áp dụng các hình phạt tử hình, tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; hạn chế áp dụng hình phạt tù có thời hạn và không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Yêu cầu b) Bình luận tính nhân đạo khi xử lí hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
- Người dưới 18 tuổi do chưa phát triển hoàn thiện về mặt thể chất và nhân cách nên việc bảo vệ, chăm sóc người dưới 18 tuổi; việc phòng ngừa và điều tra tội phạm, xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội là vấn đề vừa mang tính pháp lý vừa mang tính nhân đạo. Người dưới 18 tuổi phạm tội xuất phát từ nguyên nhân xã hội, nguyên nhân tổng hoà sự giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội, quản lý nhà nước đối với xã hội nói chung, trong đó có các quy định về phòng ngừa chung và những chính sách khác đối với người dưới 18 tuổi. Giải pháp để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm đối với người dưới 18 tuổi không phải bằng tăng hình phạt mà chính là sự quản lý giáo dục và các chính sách dành cho người dưới 18 tuổi.
- Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được thể hiện rất đầy đủ trong Bộ luật Hình sự. Theo đó, nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
- Có thể nói rằng, chính sách xử lý riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội xuất hiện và tồn tại gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam thể hiện tính nhân đạo sâu sắc.
Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo
Câu 3:
Em hãy đọc tình huống và trả lời câu hỏi
Tình huống. T (15 tuổi) và rất ham chơi điện tử, game online. Do chơi nhiều, không có tiền trả, T phải ghi nợ. Chẳng mấy chốc, số tiền nợ của T đã lên đến hàng triệu. T đã lấy trộm 4 triệu của chị H để trả nợ. Cơ quan có thẩm quyền đã kết luận: T dưới 18 tuổi nên phải chịu biện pháp giám sát, giáo dục và được miễn trách nhiệm hình sự.
Câu hỏi:
a) Theo em, hành vi nào của T phải bị phê phán? Vì sao T phải chịu biện pháp giám sát, giáo dục mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
b) Em có thể nói gì về biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội?
Yêu cầu a)
- Hành vi của T là hành vi phải bị phê phán vì T đã có hành vi trộm cắp tài sản của chị H. Nguyên nhân là do T chơi điện tử, game online nhiều nhưng không có tiền trả.
- T phải chịu biện pháp giám sát, giáo dục mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì:
+ T dưới 18 tuổi (T 15 tuổi) nên chưa phải chịu trách nhiệm về hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình mà chỉ phải chịu các biện pháp giám sát, giáo dục.
+ Hơn nữa, pháp luật hình sự quy định nguyên tắc xử lí hình sự đối với người dưới 18 tuổi như sau: Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào đặc điểm nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu phòng ngừa tội phạm.
Yêu cầu b) Biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
- Xét về bản chất, Bộ luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam quy định những biện pháp có tính chất tương tự như các biện pháp giáo dục bắt buộc áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội trong Bộ luật Hình sự của một số quốc gia khác. Theo quy định tại mục 2 Chương XII Bộ luật Hình sự năm 2015, có ba biện pháp giám sát, giáo dục được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự là: biện pháp khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015, Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án chỉ có thể áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục này.
- Theo đó, các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội, giúp người phạm tội nhận rõ được lỗi lầm, có thái độ ăn năn, hối cải, khắc phục sai phạm. Những biện pháp giám sát, giáo dục ấy thể hiện tính nhân đạo sâu sắc của pháp luật Việt Nam đối với người dưới 18 tuổi.
Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo
Câu 4:
Em hãy đọc các trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi
Trường hợp 1. X (15 tuổi 9 tháng) thực hiện hành vi đánh người gây thương tích. Trước đây X đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn; do đó, với vị phạm lần này, Toà án áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng với X trong thời hạn 1 năm.
Trường hợp 2. A (13 tuổi) phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, Toà án áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trong thời hạn 2 năm.
a) Theo em, căn cứ vào những dấu hiệu nào để Tòa án áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với X?
b) Em hiểu thế nào về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng? Mục đích của biện pháp này là gì?
Yêu cầu a) Dấu hiệu để Tòa án áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với bạn X
- X (15 tuổi 9 tháng) thực hiện hành vi đánh người gây thương tích.
- Trước đây, X đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Yêu cầu b)
- Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp nghiêm khắc hơn biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, được áp dụng khi môi trường xã hội mà người chưa thành niên sinh sống không có các điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục, cải tạo họ, như gia đình có người thân vi phạm pháp luật hoặc có tiền án, hoặc người chưa thành niên sống bụi đời, lang thang,…
- Mục đích của biện pháp này là buộc người phạm tội phải cách li ra khỏi xã hội, giúp họ được học tập văn hóa, học nghề, lao động và sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường. Tại đây họ sẽ rèn luyện lối sống của mình, trở thành người có ích cho xã hội.
Câu 5:
Em hãy đọc các trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi
Trường hợp 1: H 16 tuổi cùng với các bạn tham gia đua xe trái phép gây thương tích cho anh Avới tỉ lệ tổn thương cơ thể là 32%.
Trường hợp 2: A 17 tuổi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma tuý.
Trường hợp 3: C dưới 18 bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng mạng internet để đánh bạc với số tiền 4 triệu đồng. Trước đây C đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.
a) Dựa vào các thông tin trên, em hãy xác định các hình phạt cho từng trường hợp.
b) Theo em, pháp luật hình sự về hình phạt áp dụng với người dưới 18 tuổi phạm tội nhằm mục đích gì?
Yêu cầu a) Hình phạt trong từng trường hợp
- Trường hợp 1: Cảnh cáo
- Trường hợp 2: Cải tạo không giam giữ
- Trường hợp 3: Cải tạo không giam giữ
Yêu cầu b) Mục đích của pháp luật hình sự về hình phạt áp dụng với người dưới 18 tuổi phạm tội:
- Nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
- Các hình phạt cho họ không mang tính chất trừng trị độc ác hay tước đi quyền sống, quyền tự do của đối tượng này.
Câu 6:
Em hãy trả lời các câu hỏi sau:
a) Sự khác nhau giữa biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng với biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là gì?
b) Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng có điểm khác biệt nào so với hình phạt tù có thời hạn?
c) Điều kiện áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là gì?
d) Điều kiện để chấm dứt trước thời hạn biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là gì?
e) Xoá án tích đối với người phạm tội dưới 18 tuổi có gì khác so với người phạm tội từ đủ 18 tuổi trở lên?
g) Tại sao không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối người dưới 18 tuổi phạm tội?
h) Khi nào người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ bị áp dụng hình phạt tù?
Yêu cầu a) Sự khác nhau giữa biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng với biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
|
Giáo dục tại trường giáo dưỡng |
Giáo dục tại xã, phường, thị trấn |
Đối tượng |
Người dưới 18 tuổi phạm tội buộc phải cách li ra khỏi xã hội, được trường giáo dưỡng giáo dục, cải tạo. Họ được học tập văn hóa và nghề nghiệp. |
Người dưới 18 tuổi phạm tội tự giáo dục, sửa chữa sai lầm tại cộng đồng dưới sự giám sát, giúp đỡ của gia đình và chính quyền địa phương. |
Tính nghiêm khắc |
Nghiêm khắc hơn |
Ít nghiêm khắc hơn |
Địa điểm |
Tại trường giáo dưỡng |
Tại xã, phường, thị trấn |
Yêu cầu b) Sự khác nhau giữa: biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng và hình phạt tù có thời hạn
Biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng |
Hình phạt tù có thời hạn |
Là biện pháp buộc người phạm tội phải cách li ra khỏi xã hội nhưng họ được học tập văn hóa và nghề nghiệp. |
Là hình phạt cách li người phạm tội ra khỏi xã hội trong một thời gian để giáo dục, cải tạo họ trở thành công dân có ích cho xã hội. |
Ít nghiêm khắc hơn |
Nghiêm khắc hơn |
Do cán bộ trường giáo dưỡng quản lý. |
Do lực lượng cảnh sát quản lý và giám sát. |
Địa điểm: Tại trường giáo dưỡng |
Địa điểm: Tại trại giam |
Yêu cầu c) Điều kiện áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:
+ Môi trường xã hội mà người chưa thành niên sinh sống không có điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục, cải tạo người dưới 18 tuổi phạm tội.
+ Trong gia đình có bố, mẹ, anh, chị hoặc em là người có tiền án hoặc người thường xuyên vi phạm pháp luật.
+ Bạn bè của người dưới 18 tuổi là người có nhân thân không tốt, đã ảnh hưởng xấu đến lối sống của họ.
+ Bản thân người dưới 18 tuổi không có chỗ học tập, lao động, sinh sống ổn định, đã sớm có lối sống không lành mạnh.
Yêu cầu d) Điều kiện để chấm dứt trước thời hạn biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
+ Đã chấp hành được ít nhất một phần hai thời hạn mà Tòa án quyết định.
+ Học sinh, trại viên có tiến bộ rõ rệt, thể hiện ở việc chấp hành nội quy trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, tích cực học tập, lao động, tu dưỡng, rèn luyện và phải có kết quả xếp loại thi đua từ khá trở lên.
Yêu cầu e) Sự khác nhau giữa việc xóa án tích đối với người phạm tội dưới 18 tuổi và từ đủ 18 tuổi trở lên
- Xóa án tích đối với người phạm tội dưới 18 tuổi: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
+ 06 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
+ 01 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
+ 02 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm.
- Xóa án tích đối với người phạm tội từ đủ 18 tuổi trở lên: Người bị kết án được xóa án tích trong trường hợp từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
+ 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Yêu cầu g) Không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội vì:
+ Người dưới 18 tuổi (chưa đủ 18 tuổi) là người chưa thành niên và xét ở một góc độ nào đó đối tượng này chưa thực sự nhận thức được đúng và đầy đủ tất cả các hành vi và hậu quả của hành vi mà mình thực hiện. Sự chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn đó xuất phát từ việc chưa hoàn thiện sự phát triển thể chất, tinh thần dưới góc độ sinh học cũng như sự hoàn thiện về mặt nhận thức xã hội. Đó là những nguyên nhân khách quan.
+ Trong khi đó hình phạt chung thân, tử hình là hai hình phạt cực kỳ nghiêm khắc do đó nếu áp dụng trong trường hợp này sẽ không đảm bảo được tính mục đích giáo dục của hình phạt, có phần quá khắc khe và thiếu công bằng giữa những người đã trưởng thành và những người chưa thành niên.
Yêu cầu h) Người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ bị áp dụng hình phạt tù khi:
- Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các “biện pháp Giám sát, giáo dục” (Khiển trách, Hòa giải tại cộng đồng, Giáo dục tại xã, phường, thị trấn) hoặc việc áp dụng “biện pháp Giáo dục tại trường giáo dưỡng” giáo dục, phòng ngừa không hiệu quả.
- Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
- Phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, không đủ điều kiện áp dụng hình phạt khác nhẹ hơn.
Câu 7:
Em đồng tình và không đồng tình với những hành vi nào sau đây? Vì sao?
A. Bạn A báo cáo với cô giáo về việc bạn B sử dụng ma tuý ở trong trường học
B. Hết giờ học, các bạn rủ A đi chơi trò chơi bạo lực nhưng A từ chối.
C. M dụng xe máy phân phối lớn khi đủ tuổi theo quy định của pháp luật.
D. Anh D tuân thủ nguyên tắc: Khi uống rượu, bia không lái xe ô tô.
E. Bạn Q ngăn chặn việc đánh nhau của hai bạn tại lớp học.
- Trường hợp A - Em đồng tình với việc làm của bạn A vì sử dụng ma túy là hành vi trái pháp luật, khi thấy có người sử dụng ma túy cần báo cáo ngay với người có trách nhiệm để xử lý kịp thời.
- Trường hợp B - Em đồng tình với việc làm của A vì khi chơi trò chơi bạo lực sẽ gây ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của bản thân, rất dễ gây ra các hành vi trái pháp luật.
- Trường hợp C - Em đồng tình với hành vi của M vì M đã chấp hành đúng theo quy định của pháp luật về việc sử dụng xe phân khối lớn.
- Trường hợp D - Em không đồng tình với nguyên tắc của anh D vì nguyên tắc này đúng nhưng chưa đủ. Pháp luật nước ta quy định, người điều khiển các phương tiện xe tham gia giao thông không được sử dụng rượu, bia khi lái xe.
- Trường hợp E - Em đồng tình với việc làm của bạn Q vì bạn Q đã ngăn chặn việc đánh nhau của hai bạn tại lớp học, tránh gây thương tích không đáng có cho hai bạn.
Câu 8:
Em hãy xác định hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp dưới đây và nêu hình phạt được áp dụng đối với những người dưới 18 tuổi khi thực hiện những hành vi đó.
A. Không đội mũ bảo hiểm khi sử dụng xe gắn máy.
B. Buôn bán ma tuý.
C. Vượt đèn đỏ.
D. Trộm cắp xe máy có giá trị.
E. Đánh bạc.
G. Hút ma tuý.
H. Tổ chức đua xe trái phép.
I. Giết người.
K. Trốn học đi chơi game.
L. Cướp giật tài sản.
Trường hợp |
Hành vi vi phạm |
Hình phạt |
A. Không đội mũ bảo hiểm khi sử dụng xe gắn máy. |
Không đội mũ bảo hiểm khi sử dụng xe gắn máy |
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền (nếu người vi phạm đủ từ 16 đến dưới 18 tuổi và có tài sản riêng). |
B. Buôn bán ma tuý. |
Buôn bán trái phép chất ma túy |
- Phạt tù, tùy từng mức độ của hành vi phạm tội sẽ có các mức hình phạt khác nhau: cao nhất là 12 năm tù (đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi); cao nhất là 18 năm tù (đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi). |
C. Vượt đèn đỏ. |
Vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông |
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền (nếu người vi phạm đủ từ 16 đến dưới 18 tuổi và có tài sản riêng). |
D. Trộm cắp xe máy có giá trị. |
Trộm cắp tài sản |
- Tù có thời hạn |
E. Đánh bạc. |
Đánh bạc |
- Phạt tiền và phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. |
G. Hút ma tuý. |
Sử dụng trái phép chất ma túy |
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng |
H. Tổ chức đua xe trái phép. |
Đua xe trái phép |
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền (nếu người vi phạm đủ từ 16 đến dưới 18 tuổi và có tài sản riêng). |
I. Giết người. |
Giết người |
- Phạt tù có thời hạn |
K. Trốn học đi chơi game. |
Không vi phạm pháp luật hình sự. |
|
L. Cướp giật tài sản. |
Cướp giật tài sản |
- Phạt tù có thời hạn |
Câu 9:
Em hãy nêu một số hành vi vi phạm pháp luật hình sự không áp dụng cho người chưa thành niên. Giải thích tại sao?
- Một số hành vi vi phạm pháp luật hình sự không áp dụng cho người chưa thành niên
+ Tòa án nhân dân tỉnh X xử phạt anh B tử hình về hành vi giết người và cướp tài sản.
+ Nguyễn Văn A bị Tòa án nhân dân cấp cao thành phố Y xử chung thân về hành vi buôn bán, tàng trữ chất ma túy với số lượng lớn.
- Những hình phạt này không áp dụng đối với người chưa thành niên vì người dưới 18 tuổi (chưa đủ 18 tuổi) là người chưa thành niên và xét ở một góc độ nào đó đối tượng này chưa thực sự nhận thức được đúng và đầy đủ tất cả các hành vi và hậu quả của hành vi mà mình thực hiện. Sự chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn đó xuất phát từ việc chưa hoàn thiện sự phát triển thể chất, tinh thần dưới góc độ sinh học cũng như sự hoàn thiện về mặt nhận thức xã hội. Đó là những nguyên nhân khách quan. Trong khi đó hình phạt chung thân, tử hình là hai hình phạt cực kỳ nghiêm khắc do đó nếu áp dụng trong trường hợp này sẽ không đảm bảo được tính mục đích giáo dục của hình phạt, có phần quá khắc khe và thiếu công bằng giữa những người đã trưởng thành và những người chưa thành niên.
Câu 10:
Em hãy thảo luận với bạn về chơi game trực tuyến của lứa tuổi học sinh theo những gợi ý sau:
a) Những tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đến học sinh.
b) Hành vi vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến trò chơi trực tuyến là gì?
c) Những việc cần làm để bản thân và bạn bè từ bỏ game trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh?
Trường hợp a) Những tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đến học sinh.
- Ảnh hưởng đến thời gian học tập và sinh hoạt: Khi tham gia chơi trò chơi trực tuyến, học sinh bị giảm bớt thời gian học tập, rèn luyện thể thao và đảo lộn các sinh hoạt hằng ngày.
- Ảnh hưởng đến sức khỏe: Ảnh hướng đến thị lực, thính lực và sức khỏe nói chung của người chơi. Dễ bị mệt mỏi, đầu óc không tỉnh táo, suy nhược cơ thể và mắc một số bệnh về xương khớp khác.
- Ảnh hưởng đến tin thần: Người chơi dễ bị ám ảnh bởi các nhân vật, hình ảnh trong trò chơi, sống cuộc sống ảo trong trò chơi làm ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của người chơi.
- Gây nghiện: Do tính hấp dẫn, tính liên tục, tính ảo và sự đa dạng, mới lạ. bất ngờ của trò chơi và nhu cầu được giải trí đã thu hút học sinh và nhanh chóng trở thành nghiện game.
Trường hợp b) Hành vi vi vi phạm pháp luật hình sự liên quan đến trò chơi trực tuyến:
- Hành vi bạo lực: do bản chất của trò chơi là đánh nhau không ngừng giữa những đối thủ trong trò chơi. Do tính ảo trong trò chơi trực tuyến, người chơi trực tiếp sử dụng các vũ khí ảo và bắn chết các đối thủ. Vì vậy, học sinh dễ dàng thực hiện các hành vi bạo lực và trở nên hung hăng trước các va chạm xảy ra trong cuộc sống.
- Hành vi trộm cắp, lừa đảo: Do tính ảo của trò chơi nên học sinh dễ nảy sinh các hành vi như lừa đảo tiền bạc, vật dụng và thậm chí là lừa buôn bán người vào các điểm mại dâm ở trong game. Từ đó tác động đến việc hình thành nhân cách và hành vi của học sinh trong thực tế cuộc sống.
- Hành vi cờ bạc: Khi tham gia các trò chơi trực tuyến không lành mạnh người chơi được tự do tham gia các trò chơi đánh bạc. Từ việc chơi cờ bạc ảo, việc cần tiền thật để phục vụ cờ bạc ảo đã biến nhiều người chơi trở thành tội phạm.
- Hành vi hiếp dâm: Các hình ảnh khiêu dâm, không phù hợp vối thuần phong mỹ tục của dân tộc trong các trò chơi trực tuyến đã ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống của học sinh. Do người chơi được nhập vai nhân vật vì vậy dễ hình thành lối sống trụy lạc và nguy cơ phạm tội cao.
Trường hợp c) Những việc cần làm để bản thân và bạn bè từ bỏ game trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh
- Nâng cao nhận thức và hiểu biết về tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh.
- Tích cực tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngoài giờ lên lớp.
Câu 11:
Theo em, A phải thực hiện những nghĩa vụ gì? Vì sao?
- A phải thực hiện những nghĩa vụ sau:
+ Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động.
+ Chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã phường, thị trấn.
+ Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép.
+ Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc.
+ Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.
+ Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.
- Giải thích: Vì A phạm tội trộm cắp tài sản khi chưa đủ 18 tuổi, đang bị Tòa án áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phương, thị trấn. Hơn nữa, đây là những quy định hết sức tiến bộ với mục đích tăng khả năng áp dụng các quy định về miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới mười tám tuổi phạm tội, hạn chế đến mức thấp nhất việc việc phải áp dụng hình phạt và các biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên phạm tội, thể hiện tính nhân đạo cao trong việc xử lý người chưa thành niên phạm tội tạo điều kiện cho họ nhận thức rõ lỗi lầm có cơ hội khắc phục sai phạm nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.
Câu 12:
Em hãy cùng các bạn lập kế hoạch và tổ chức một buổi tọa đàm theo kế hoạch với chủ đề “Tìm hiểu pháp luật hình sự liên quan đến người chưa thành niên”.
Gợi ý:
- Lập kế hoạch
+ Xác định mục đích, yêu cầu;
+ Dự kiến thời gian;
+ Địa điểm;
+ Thành phần tham gia;
+ Xây dựng nội dung (chương trình, bộ câu hỏi, đóng vai, mời chuyên gia,..);
+ Phân công người phụ trách chương trình, trang trí, dẫn chương trình;
+ Mời chuyên gia, đại biểu,…
- Tổ chức tọa đàm theo kế hoạch.
- Đánh giá kết quả (viết báo cáo/thu hoạch).
(*) Gợi ý kế hoạch với chủ đề “Tìm hiểu pháp luật hình sự liên quan đến người chưa thành niên”
- Xác định mục đích:
+ Cung cấp thông tin về pháp luật hình sự liên quan đến người chưa thành niên.
+ Phổ biến, giới thiệu và giải đáp các quy định pháp luật liên quan đến người chưa thành niên, giúp người chưa thành niên sống và học tập thep đúng quy định của pháp luật.
- Dự kiến thời gian: Chủ nhật, ngày ……/……./20….
- Địa điểm: Trường THPT X
- Thành phần tham gia: Toàn bộ học sinh các khối 10, 11, 12
- Xây dựng nội dung (chương trình, bộ câu hỏi, đóng vai, mời chuyên gia,..):
+ Chuẩn bị kịch bản chương trình bao gồm các phần sau: Mở đầu - Giới thiệu những quy định về pháp luật hình sự liên quan đến người chưa thành niên - Hỏi, đáp một số câu hỏi liên quan đến pháp luật hình sự ở người chưa thành niên - Đóng vai, xử lí tình huống - Chuyên gia giải đáp - Kết thúc tọa đàm.
+ Xây dựng bộ câu hỏi liên quan đến nội dung về pháp luật hình sự đối với người chưa thành niên.
+ Chuẩn bị một số kịch bản pháp luật để đóng vai giải quyết tình huống.
- Phân công người phụ trách chương trình, trang trí, dẫn chương trình.
+ Phụ trách chương trình: Thầy tổng phụ trách trường chịu trách nhiệm phụ trách
+ Trang trí: Thầy, cô tổ Công tác xã hội
+ Dẫn chương trình: Thầy tổng phụ trách
- Mời chuyên gia, đại biểu
Câu 13:
Xây dựng kế hoạch về cuộc thi “Hùng biện về tác hại, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi và tuyên truyền phòng, chống vi phạm pháp luật hình sự” theo gợi ý sau:
- Lập kế hoạch, dự kiến thời gian;
- Tổ chức đăng kí tham gia;
- Xây dựng chương trình;
- Thể lệ cuộc thi;
- Hình thức trình bày;
(*) Gợi ý lập kế hoạch về cuộc thi “Hùng biện về tác hại, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi và tuyên truyền phòng, chống vi phạm pháp luật hình sự”
- Mục đích:
+ Cung cấp thông tin về pháp luật hình sự liên quan đến người chưa thành niên.
+ Phổ biến, giới thiệu và giải đáp các quy định pháp luật liên quan đến người chưa thành niên, giúp người chưa thành niên sống và học tập thep đúng quy định của pháp luật.
+ Tuyên truyền vận động công dân trên địa bàn tham gia cuộc thi nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật hình sự nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung.
- Dự kiến thời gian: Chủ nhật ngày ……/……./20….
- Địa điểm: Hội trường Ủy ban nhân dân xã Y
- Thành phần tham gia: Toàn bộ đối tượng học sinh trên địa bàn xã
- Nội dung thi: Tác hại, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi.
- Hình thức thi: Hùng biện
- Xây dựng chương trình:
+ Khai mạc cuộc thi
+ Tiến hành thi: Các đội tham gia thi hùng biện về một trong số các vấn đề mà ban tổ chức đã chuẩn bị.
+ Đánh giá, chấm điểm
+ Kết thúc và trao giải
- Chuẩn bị:
+ Trang trí: Phông màn chiếu, bàn ghế, mic, loa,..
+ Một số vấn đề hùng biện
+ Dẫn chương trình
- Thành phần ban giám khảo
+ Đại diện lãnh đạo địa phương
+ Đại diện phòng Hình sự của huyện