Giải SBT Sinh 10 CTST Bài 31: Virus gây bệnh có đáp án
-
127 lượt thi
-
16 câu hỏi
-
30 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Phương thức lây truyền nào sau đây được gọi là truyền ngang ở virus?
A. Truyền từ tế bào này sang tế bào khác trong cơ thể đa bào.
B. Truyền từ mô này sang mô khác trong cơ thể đa bào.
C. Truyền từ cơ thể này sang cơ thể khác.
D. Truyền từ mẹ sang con.
Đáp án đúng là: C
- Phương thức truyền ngang ở virus là phương thức lây truyền virus từ cá thể này sang cá thể khác.
- Phương thức truyền dọc ở virus là phương thức lây truyền virus từ cơ thể mẹ sang cơ thể con.
Câu 2:
Một người bị nhiễm SARS-CoV-2 hắt hơi làm các giọt tiết bắn ra và lây lan sang những người xung quanh khi họ hít phải. Đây là kiểu lây lan qua con đường nào?
A. Đường tiêu hóa.
B. Đường hô hấp.
C. Đường bài tiết.
D. Đường tình dục.
Đáp án đúng là: B
Virus SARS-CoV-2 lây lan qua đường hô hấp: Một người bị nhiễm SARS-CoV-2 hắt hơi làm các giọt tiết bắn ra và lây lan sang những người xung quanh khi họ hít phải.
Câu 3:
Một người bị chó dại cắn, virus dại sẽ theo vết cắn đi vào cơ thể bằng con đường nào?
A. Đường hô hấp.
B. Đường tiêu hóa.
C. Đường tình dục.
D. Đường máu.
Đáp án đúng là: D
Một người bị chó dại cắn, virus dại sẽ theo vết cắn đi vào cơ thể bằng con đường máu. Sau đó, virus di chuyển theo hệ thần kinh vào tủy sống và não, phá hủy các trung khu thần kinh trong đại não, gây ra trạng thái điên dại ở động vật và người.
Câu 4:
Vì sao virus chỉ lây nhiễm từ cây này sang cây khác khi cơ thể bị thương do dụng cụ lao động hay vết cắn của côn trùng?
A. Do tế bào thực vật có vách cellulose dày, virus không thể tự xâm nhập được.
B. Do tế bào thực vật không có các thụ thể phù hợp với các phân tử bề mặt của virus.
C. Do virus không bám vào được bề mặt tế bào thực vật.
D. Do virus bị ức chế bởi các chất trên vách cellulose của tế bào thực vật.
Đáp án đúng là: A
Do tế bào thực vật có vách cellulose dày, virus không thể tự xâm nhập được. Bởi vậy, virus chỉ lây nhiễm từ cây này sang cây khác khi cơ thể bị thương do dụng cụ lao động hay vết cắn của côn trùng.
Câu 5:
Côn trùng làm vector truyền virus gây bệnh vàng lùn ở lúa dẫn đến thiệt hại kép. Thiệt hại kép là
A. lúa vừa bị bệnh ở lá vừa bị bệnh ở bông.
B. lúa vừa bị bệnh lá vừa bị bệnh ở rễ.
C. lúa bị nhiễm virus 2 lần (nhiễm do côn trùng cắn và nhiễm do côn trùng làm vector).
D. lúa vừa bị côn trùng phá hoại vừa thiệt hại do virus.
Đáp án đúng là: D
Côn trùng làm vector truyền virus gây bệnh vàng lùn ở lúa dẫn đến thiệt hại kép: lúa vừa bị côn trùng phá hoại vừa thiệt hại do virus. Khi bị bệnh vàng lùn, cây lúa bị nghẹn đòng, bông lúa không trổ được, đâm chồi ra từ đốt thân bên của cây, lá lúa màu xanh thậm chí sậm hơn, sống rất lâu và bị xoắn hoặc có u bướu nhỏ liên tục trên gân lá.
Câu 6:
Để phòng tránh lây nhiễm bệnh do virus Rota và virus viêm gan B, cần thực hiện biện pháp nào sau đây?
A. Đeo khẩu trang thường xuyên nơi công cộng, nơi tập trung đông người.
B. Ăn uống hợp vệ sinh, không dùng chung bát, đũa, li uống nước với người khác.
C. Tránh tiếp xúc với động vật, không để động vật cắn.
D. Giữ khoảng cách với người khác.
Đáp án đúng là: B
Virus Rota và virus viêm gan B là virus lây qua đường tiêu hóa. Bởi vậy, để phòng tránh lây nhiễm bệnh do virus Rota và virus viêm gan B, cần thực hiện biện pháp như ăn uống hợp vệ sinh, không dùng chung bát, đũa, li uống nước với người khác.
Câu 7:
Để phòng chống virus lây truyền từ mẹ sang con, trước khi mang thai, người mẹ cần thực hiện các biện pháp nào sau đây?
(1) Ăn uống đủ chất.
(2) Xét nghiệm các bệnh do virus gây ra.
(3) Chữa khỏi bệnh do virus gây ra (nếu có).
(4) Bổ sung thuốc chứa sắt (iron), calcium.
(5) Tiêm vaccine phòng các bệnh do virus gây ra.
A. (1), (2), (5).
B. (1), (2), (4).
C. (2), (3), (5).
D. (1), (3), (4).
Đáp án đúng là: C
Để phòng chống virus lây truyền từ mẹ sang con, trước khi mang thai, người mẹ cần thực hiện các biện pháp như:
(2) Xét nghiệm các bệnh do virus gây ra.
(3) Chữa khỏi bệnh do virus gây ra (nếu có).
(5) Tiêm vaccine phòng các bệnh do virus gây ra.Câu 8:
Các biến thể của virus là do các đột biến tạo ra trong quá trình chúng nhân lên trong tế bào vật chủ. Nhận định nào sau đây giải thích vì sao virus có khả năng tạo ra nhiều biến thể?
A. Hệ gene của virus không được bảo vệ trong nhân nên dễ bị tác động bởi các nhân tố gây đột biến.
B. Hệ gene của virus mẫn cảm với các chất hóa học tạo ra trong quá trình trao đổi chất của tế bào nên dễ bị đột biến.
C. Quần thể virus có khả năng lây nhiễm qua nhiều vật chủ khác nhau nên khả năng tạo đột biến là rất cao.
D. Quần thể virus có kích thước lớn, khả năng nhân lên nhanh, lây nhiễm rộng do đó xác suất đột biến rất cao.
Đáp án đúng là: D
Quần thể virus có kích thước lớn, khả năng nhân lên nhanh, lây nhiễm rộng do đó xác suất đột biến rất cao. Bởi vậy, virus có khả năng tạo ra nhiều biến thể.
Câu 9:
Vì sao các virus RNA có nhiều biến thể hơn so với các virus DNA?
A. Virus RNA không có khả năng tự sửa chữa như ở virus DNA, nên có tỉ lệ đột biến cao hơn.
B. Virus RNA chứa hệ gene nhỏ nên dễ xảy ra đột biến hơn virus DNA.
C. Virus RNA có khả năng biến đổi hình thái dễ dàng hơn do chúng có lớp vỏ ngoài.
D. Virus RNA có thể điều khiển hệ gene của vật chủ để làm biến đổi gai glycoprotein.
Đáp án đúng là: A
Virus nói chung và đặc biệt là những virus có hệ gene là RNA thường có tần số và tốc độ đột biến rất cao bởi vì enzyme polymerase do virus tổng hợp không có cơ chế sửa chữa.
Câu 10:
Vì sao các biến thể mới của virus nhiễm vào cơ thể thường rất nguy hiểm?
A. Vì các biến thể mới có khả năng nhân đôi, lây truyền nhanh hơn trong cơ thể vật chủ, làm cho vật chủ nhiễm bệnh nặng hơn.
B. Vì biến thể mới có khả năng ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, nên cơ thể không sản xuất được kháng thể mới.
C. Vì cơ thể chưa sẵn sàng đáp ứng miễn dịch và vaccine hiện tại sẽ không còn tác dụng đối với các biến thể mới.
D. Vì cơ thể đang tập trung tổng hợp kháng thể diệt biến thể cũ, thiếu nguyên liệu để tổng hợp kháng thể mới.
Đáp án đúng là: C
Các biến thể mới của virus nhiễm vào cơ thể thường rất nguy hiểm vì cơ thể chưa sẵn sàng đáp ứng miễn dịch và vaccine hiện tại sẽ không còn tác dụng đối với các biến thể mới.
Câu 11:
Hãy trình bày một số bệnh do virus gây ra ở người.
Một số bệnh do virus gây ra ở người:
Tên bệnh |
Virus gây ra |
Triệu chứng, hậu quả và cách lây truyền |
Cúm mùa (A, B, C) |
Influenza orthomyxo |
Sốt cao, đau đầu, sổ mũi, khó thở, kèm theo rối loạn thính giác, thị giác. Trường hợp nặng có thể gây tử vong. Virus lây lan qua đường hô hấp (qua các sol khí). |
Sởi |
Paramyxo |
Mệt mỏi, sốt cao, nổi ban trong má, trên da. Biến chứng có thể gây viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não. Virus lây lan qua đường hô hấp và niêm mạc mắt. |
Tiêu chảy ở trẻ em |
Rota |
Tiêu chảy, cơ thể mất nước nghiêm trọng, làm mất cân bằng điện giải, có thể dẫn đến tử vong. Virus lây lan qua đường phân, miệng; nhân lên trong tế bào đỉnh của lông ruột non. |
Viêm gan A, B, C, D, E |
Hepatitis A, B, C, D, E |
Phá hủy chức năng gan, dẫn đến viêm gan cấp tính, mãn tính. Từ đó gây xơ gan, có thể gây ung thư gan. Virus lây lan qua đường phân, miệng; nhân lên trong tế bào gan. |
Viêm não Nhật Bản |
Flavi |
Sốt, đau đầu, buồn nôn, viêm não, lên cơn co giật, có thể dẫn đến tử vong. Virus lây nhiễm qua muỗi Culex. |
Câu 12:
Hãy trình bày một số bệnh do virus gây ra ở động vật.
Một số bệnh do virus gây ra ở động vật:
Tên bệnh |
Virus gây ra |
Triệu chứng, hậu quả và cách lây truyền |
Lở mồm long móng gia súc |
Aphtho, gồm 7 nhóm: Type A, O, C, Asia1, SAT1, SAT2, SAT3 |
Sốt cao, kém ăn, ủ rũ, tiết nước bọt nhiều và nhiễu xuống; xuất hiện các mụn nước ở vùng miệng, chân và vú; khi vỡ sẽ làm bờ móng sưng đau dẫn tới con vật đi lại khó khăn, phải nằm một chỗ. Nếu bệnh phát triển mạnh, khoảng từ 5 đến 6 ngày, con vật sẽ yếu, khó thở và chết. Virus lây lan rất nhanh qua nhiều con đường khác nhau như tiếp xúc trực tiếp giữa động vật với nhau, truyền qua không khí. |
Heo tai xanh |
Arterivirus, gồm 3 chủng: châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc. |
Sốt cao, bỏ ăn, da tím tái ở tai và mõm, rối loạn hô hấp, rối loạn sinh sản (heo nái), bệnh chuyển biến nặng và gây chết. Virus lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, qua đường không khí, dụng cụ chăn nuôi, tinh dịch, côn trùng (muỗi, ruồi). |
Bệnh virus mùa xuân trên cá chép – SVC (Spring Viremia of Carp) |
Rhabdo virus carpio |
Da sậm màu, mắt lồi, mang nhợt nhạt, có hiện tượng xuất huyết điểm ở da, mang; xoang bụng có dịch, ruột sưng to đôi khi có dịch, tụy bị sưng và có hiện tượng xuất huyết ở bong bóng. Cá bị nhiễm nặng sẽ hôn mê, mất thăng bằng, nằm nghiêng một bên thân và chết. Virus lan truyền từ cá này sang cá khác chủ yếu qua đường hô hấp, tiêu hóa và các vật trung gian. |
Câu 13:
Hãy kể tên một số biến thể của SARS-CoV-2.
Một số biến thể của SARS-CoV-2:
STT |
Tên biến thể |
Dòng |
Nơi xuất hiện lần đầu |
Thời gian xuất hiện lần đầu |
1 |
Alpha |
B.1.1.7 |
Vương quốc Anh |
9/2020 |
2 |
Beta |
B.1.351 |
Nam Phi |
10/2020 |
3 |
Gamma |
P.1 |
Brazil |
11/2020 |
4 |
Delta |
B.1.617.2 |
Ấn độ |
12/2020 |
5 |
Epsilon |
B1.427/B1.429 |
Hoa Kì |
5/3/2021 |
6 |
Zeta |
P2 |
Brazil |
17/3/2021 |
7 |
Eta |
B1.525 |
Nhiều quốc gia |
17/3/2021 |
8 |
Theta |
P3 |
Philippines |
24/3/2021 |
9 |
Lota |
B1.526 |
Hoa Kì |
24/3/2021 |
10 |
Omicron |
B.1.1.529 |
Nam Phi |
11/2021 |
Câu 14:
Hãy thiết kế một poster tuyên truyền phòng chống bệnh do virus gây ra.
- Học sinh tự thiết kế poster tuyên truyền theo các tiêu chí sau:
Tiêu chí |
Yêu cầu của tiêu chí |
Hình thức (30 điểm) |
Hình thức cân đối, đẹp, kích thước phù hợp (khuyến khích thiết kế trên máy tính). Có sự kết hợp giữa kênh chữ và kênh hình. |
Nội dung (70 điểm) |
Nội dung trong poster chính xác, khoa học, cập nhật, thể hiện rõ nội dung tuyên truyền gồm: tác hại của virus, một số bệnh nguy hiểm, phương thức lây truyền, biện pháp phòng chống. |
- Ví dụ:
Câu 15:
Tải lượng virus là gì? Nó có ý nghĩa gì trong việc phòng chống lây nhiễm các bệnh do virus gây ra?
- Tải lượng virus là số lượng virus có trong máu hay dịch tiết của người bệnh.
- Ý nghĩa của tải lượng virus trong việc phòng chống lây nhiễm các bệnh do virus gây ra: Tải lượng cao có nghĩa là số lượng virus nhiều, đang nhân lên và khả năng lây truyền cao. Dựa vào tải lượng virus, chúng ta có thể dự đoán khả năng lây nhiễm để chủ động phòng tránh. Ở ngưỡng nhất định của tải lượng virus, nó không có khả năng lây nhiễm sang cá thể khác.
- Tải lượng virus cao, thấp trong xét nghiệm SARS-CoV-2 thường được biết thông qua giá trị CT của RT-PCR. Tuy nhiên, với việc làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà, chúng tá vẫn có thể phỏng đoán phần nào tải lượng virus thông qua giai đoạn bệnh.
Câu 16:
Hãy trình bày các giai đoạn nhiễm virus SARS-CoV-2.
Các giai đoạn nhiễm virus SARS-CoV-2:
- Giai đoạn phơi nhiễm: Người bệnh mới tiếp xúc với SARS-CoV-2. Giai đoạn này xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ không thể phát hiện.Thời gian của giai đoạn này có thể từ 24 – 48 giờ tính từ lúc tiếp xúc với mầm bệnh.
- Giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn lây nhiễm là giai đoạn mà khả năng lây lan của virus là cao nhất vào thời điểm ngày thứ 5, thứ 6. Giai đoạn này sẽ kéo dài đến ngày thứ 10. Tải lượng virus sẽ giảm dần từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10. Nếu quan sát kết quả xét nghiệm nhanh, chúng ta thấy vạch T sẽ nhạt màu dần so với vạch C.
- Giai đoạn hậu lây nhiễm và phục hồi: Giai đoạn này bắt đầu sau ngày thứ 10, là giai đoạn mà ngưỡng phát hiện của xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ không phát hiện được virus, đồng nghĩa với việc lúc này người nhiễm sẽ không còn khả năng lây lan. Xét nghiệm kháng nguyên nhanh lúc này sẽ cho kết quả âm tính.