Thứ sáu, 22/11/2024
IMG-LOGO
Trang chủ Lớp 10 Sinh học Bài tập Bài 31: Virus gây bệnh có đáp án

Bài tập Bài 31: Virus gây bệnh có đáp án

Bài tập Bài 31: Virus gây bệnh có đáp án

  • 131 lượt thi

  • 13 câu hỏi

  • 30 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Khi người bệnh (do nhiễm virus) hắt hơi, virus theo hàng ngàn giọt bắn bay vào trong không khí và có khả năng lây truyền bệnh cho những người khác. Ngoài ra, virus còn có thể lây truyền qua nhiều con đường khác nhau. Để hạn chế sự lây truyền virus, chúng ta cần thực hiện những biện pháp gì?

Xem đáp án

Một số biện pháp hạn chế sự lây truyền của virus:

- Chăm sóc sức khỏe bản thân, tăng cường sức đề kháng.

- Tiêm vaccine đầy đủ theo quy định.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, nơi ở sạch sẽ.

- Căn cứ vào cơ chế lây truyền của mỗi loại virus để có thêm biện pháp phòng chống khác nhau:

+ Đối với virus lây truyền qua đường hô hấp: Đeo khẩu trang thường xuyên nơi công cộng, nơi tập trung đông người,…; Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; Giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người khác;…

+ Đối với virus lây truyền qua đường tiêu hóa: Thực hiện ăn uống hợp vệ sinh; Không dùng chung bát đũa, li uống nước,… với người khác;…

+ Đối với virus lây truyền qua đường tình dục: Sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội,…

+ Đối với virus lây truyền từ mẹ sang con: Tiêm vaccine đầy đủ trước khi mang thai, nếu mẹ bị nhiễm virus thì cần chữa khỏi trước khi sinh con,…


Câu 2:

Hãy trình bày các phương thức lây truyền bệnh do virus gây ra ở người, động vật và thực vật.

Xem đáp án

Đối tượng

Truyền ngang

(Truyền từ cá thể này sang cá thể khác trong quần thể)

Truyền dọc

(Truyền từ thế hệ bố mẹ sang con)

Người

và động vật

Truyền qua nhiều con đường khác nhau: hô hấp, tiêu hóa, tiếp xúc, vật trung gian.

Truyền từ mẹ sang con qua nhau thai, nhiễm qua đường sinh nở hoặc qua sữa mẹ (HIV, virus Zika, virus gây bệnh sởi,…)

Thực vật

Truyền qua vết thương hoặc côn trùng làm vector.

Qua phấn hoa, hạt giống, cơ quan sinh dưỡng (đối với sinh sản sinh dưỡng).


Câu 3:

Vì sao virus không thể tự lây truyền từ cây này sang cây khác?

Xem đáp án

Virus không thể tự lây truyền từ cây này sang cây khác vì thực vật có thành cellulose vững chắc, virus không thể tự xâm nhập được mà phải nhờ côn trùng làm vector hoặc lợi dụng các vết thương ở trên cây.


Câu 4:

Quan sát Hình 31.1, hãy phân tích các con đường lây nhiễm SARS-CoV-2.

Quan sát Hình 31.1, hãy phân tích các con đường lây nhiễm SARS-CoV-2. (ảnh 1)
Xem đáp án

SARS-CoV-2 lây lan theo phương thức truyền ngang qua đường hô hấp (qua các sol khí), tiêu hóa (các đồ dùng trong ăn uống) và tiếp xúc (bắt tay, các vật dụng hằng ngày): Dịch tiết bao gồm nước bọt, dịch tiết hô hấp hoặc các giọt bắn phát  xuất từ miệng hoặc mũi của người nhiễm bệnh khi họ ho, hắt hơi, nói,…

- Lây nhiễm qua các giọt bắn: Người tiếp xúc gần (trong vòng khoảng cách 1 mét) với người đã nhiễm bệnh có thể mắc bệnh COVID-19 khi các giọt bắn nhiễm bệnh này thâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt của người tiếp xúc.

- Lây nhiễm qua không khí: Các giọt bắn nhỏ mang virus có khả năng di chuyển xa hơn lây nhiễm qua không khí khiến những người khác bị mắc bệnh.

- Lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp: Lây nhiễm qua bắt tay, ôm, hôn,… người bệnh.

- Lây nhiễm qua tiếp xúc gián tiếp: Những người mang virus có thể vô tình làm lây những giọt bắn mang mầm bệnh lên các vật dụng và bề mặt khiến những người khác có thể bị nhiễm bệnh khi họ chạm tay vào các đồ vật hoặc bề mặt mang mầm bệnh này, sau đó lại chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng mình trước khi rửa tay. 


Câu 5:

Quan sát Hình 31.2, hãy trình bày con đường lây nhiễm virus ở thực vật qua côn trùng.

Quan sát Hình 31.2, hãy trình bày con đường lây nhiễm virus ở thực vật qua côn trùng. (ảnh 1)
Xem đáp án

Con đường lây nhiễm virus ở thực vật qua côn trùng:

- Một số loài côn trùng chích hút đóng vai trò là vector truyền virus từ cây bệnh sang cây lành. Virus đi vào côn trùng qua đường tiêu hóa, sau đó truyền sang cây lành bằng vòi tuyến nước bọt.

- Ngoài ra, qua vết cắn của côn trùng làm cây bị thương, từ đó virus có thể xâm nhập qua đường tiếp xúc từ cây này sang cây khác.


Câu 6:

Vì sao bệnh do virus gây ra lại lây lan nhanh, rộng và khó kiểm soát?

• Quan sát Hình 31.3, hãy phân tích khả năng lây truyền của virus trong không khí qua các giọt tiết.

Vì sao bệnh do virus gây ra lại lây lan nhanh, rộng và khó kiểm soát (ảnh 1)
Xem đáp án

• Bệnh do virus gây ra lại lây lan nhanh, rộng và khó kiểm soát vì:

- Virus khi vào trong cơ thể vật chủ có khả năng nhân lên nhanh chóng và trở thành ổ chứa virus, nó có thể lây lan cho các cá thể khác trong quần thể.

- Virus có khả năng lây lan qua nhiều con đường khác nhau, do đó xác suất lây lan và gây bệnh cho những cá thể xung quanh là rất lớn.

- Khi virus nhiễm vào cơ thể vật chủ, ở giai đoạn đầu, hết hết vật chủ không có biểu hiện triệu chứng, do đó rất khó để ngăn ngừa sự lây lan cho các cá thể khỏe mạnh.

• Khả năng lây truyền của virus trong không khí qua các giọt tiết: Virus từ cá thể mang bệnh được phát tán vào trong không khí qua các giọt tiết, soli khí; có thể bay xa khoảng một mét đến hàng chục mét tùy từng chủng. Chúng có thể lây nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc tiếp xúc (dính vào thức ăn, đồ vật và lây nhiễm gián tiếp cho cá thể khác).


Câu 7:

Dựa vào triệu chứng và cơ chế lây truyền của một số bệnh do virus gây ra trong Bảng 31.1, 31.2, 31.3, hãy nêu các biện pháp phòng chống cho từng loại bệnh trên.

Dựa vào triệu chứng và cơ chế lây truyền của một số bệnh do virus gây ra trong Bảng (ảnh 1)
Dựa vào triệu chứng và cơ chế lây truyền của một số bệnh do virus gây ra trong Bảng (ảnh 2)
Dựa vào triệu chứng và cơ chế lây truyền của một số bệnh do virus gây ra trong Bảng (ảnh 3)
Xem đáp án

Tên bệnh

Cách phòng chống

HIV/AIDS

- Tránh xa các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm,…

- Tiệt trùng các dụng cụ y tế khi sử dụng; không dùng chung bơm kim tiêm; chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV; không dùng chung các vật dụng như dao cạo, bàn chải đánh răng, bấm móng tay;…

- Kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai. Nếu phát hiện nhiễm HIV thì không nên mang thai. Khi mang thai mà nhiễm HIV thì khi sinh con ra cần cách li không cho con bú sữa mẹ.

Sởi Đức

- Thường xuyên đeo khẩu trang nơi công cộng; che miệng khi hắt hơi, nói to; giữ khoảng cách với người có nghi ngờ nhiễm bệnh,…

- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước diệt khuẩn, ăn uống hợp vệ sinh,…

- Kiểm tra sức khỏe định kì và tiêm vaccine đầy đủ theo quy định,…

Viêm đường hô hấp cấp

Dịch tả lợn châu Phi

- Theo dõi, phát hiện và xử lí kịp thời lợn có biểu hiện bệnh; cách li lợn nhiễm bệnh khỏi đàn; vệ sinh sạch sẽ chuồng, trại, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, các nơi bán buôn, giết mổ lợn; diệt các nguồn bệnh như ruồi, muỗi để tránh mang mầm bệnh phát tán ra bên ngoài; không mua, bán thịt lợn không có nguồn gốc rõ ràng;…

- Chọn tạo, con giống khỏe mạnh để chăn nuôi và nhân giống.

Cúm gia cầm H5N1

- Theo dõi, phát hiện và xử lí kịp thời khi gia cầm có biểu hiện bệnh; cách li gia cầm nhiễm bệnh khỏi đàn và khai báo y tế kịp thời; không vận chuyển, giết mổ gia cầm bệnh và chưa rõ nguồn gốc; xử lí gia cầm chết đúng quy trình; vệ sinh chuồng, trại sạch sẽ.

- Chọn, tạo con giống khỏe mạnh để chăn nuôi và nhân giống.

- Cần thực hiện các nguyên tắc phòng bệnh lây nhiễm cho người qua đường hô hấp.

Bệnh đốm trắng ở tôm

- Theo dõi, phát hiện và xử lí kịp thời khi tôm có biểu hiện bệnh; loại bỏ tôm nhiễm khỏi ao nuôi; vệ sinh, xử lí ao, hồ sạch sẽ; ngăn chặn vật trung gian mang mầm bệnh như cua còng, chim, tôm, tép nhỏ,… vào ao.

- Thả tôm giống sạch bệnh, không bị nhiễm virus (đã xét nghiệm bằng phương pháp PCR) đúng mùa vụ.

- "Tiêm phòng" vaccine cho tôm theo quy định.

Lùn xoắn lá ở lúa

- Phòng tránh, tiêu diệt vật trung gian, hạn chế các vết cắn của côn trùng lên cây, đặc biệt là rầy nâu.

- Xử lí, tiêu hủy, loại bỏ mầm bệnh, côn trùng trước khi gieo trồng.

- Áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ để gia tăng sức đề kháng của cây lúa.

- Sử dụng giống lúa sạch bệnh để gieo trồng.

Vàng xoăn lá cà chua

- Sử dụng giống kháng bệnh.

- Tiêu diệt nguồn bệnh trên đồng ruộng. Phòng trừ côn trùng là trung gian truyền bệnh như bọ phấn, bọ trĩ. Bảo vệ cây con trong vườn ươm, nhà màng, nhà kính.

- Vệ sinh tay chân, dụng cụ (dao, kéo) trước và sau mỗi lần cắt tỉa cành.

- Bón phân cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cây.


Câu 8:

Hãy nêu các biện pháp làm tăng sức đề kháng virus cho con người, động vật và thực vật.

Xem đáp án

Các biện pháp làm tăng sức đề kháng virus cho con người, động vật và thực vật:

 

Đối tượng

Biện pháp làm tăng sức đề kháng virus

Con người

- Ăn uống hợp lí.

- Có lối sống lành mạnh: tập thể dục, giảm bớt căng thẳng, ngủ đủ giấc, chế độ ăn uống lành mạnh, không lạm dụng các chất kích thích,…

- Sử dụng thuốc hợp lí, đúng cách, đúng bệnh nhằm hạn chế tính kháng thuốc.

- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

- Tiêm vaccine phòng bệnh.

Động vật

- Chọn giống vật nuôi có sức chống chịu tốt, tính đề kháng cao.

- Cung cấp đầy đủ thức ăn, các loại vitamin, khoáng, kháng sinh,…

- Vệ sinh cơ thể vật nuôi và chuồng trại sạch sẽ.

- Tiêm vaccine phòng bệnh.

Thực vật

- Chọn giống cây trồng có sức chống chịu tốt, tính đề kháng cao.

- Có biện pháp chăm bón cây trồng hợp lí.

- Sử dụng vaccine kích kháng cây trồng.


Câu 9:

Biến thể của virus là gì? Vì sao virus có nhiều biến thể?

Xem đáp án

- Biến thể của virus là những thể mới của virus do sự thay đổi hệ gene của chúng qua đột biến. Sự thay đổi này dẫn đến những sai khác về lớp vỏ, thay đổi khả năng xâm nhập, lây truyền và làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể không nhận ra được virus, giảm hiệu quả của vaccine.

- Virus có nhiều biến thể vì: Virus nói chung và đặc biệt những virus có hệ gene là RNA thường có tần số và tốc độ đột biến rất cao bởi vì enzyme polymerase do virus tổng hợp không có cơ chế sửa sai. Bên cạnh đó, các biến chủng cũng được tạo ra do cơ chế tái tổ hợp virus từ nhiều nguồn khác nhau.


Câu 10:

Quan sát Hình 31.4, hãy cho biết các biến thể của SARS-CoV-2 khác nhau ở điểm nào.

Quan sát Hình 31.4, hãy cho biết các biến thể của SARS-CoV-2 khác nhau ở điểm nào. (ảnh 1)
Xem đáp án

Các biến thể mới của SARS-CoV-2 sai khác nhau với chủng virus ban đầu về tổng số lượng ở các đột biến đặc trưng, trong đó có đột biến gene S – gene tạo gai glycoprotein, dẫn đến có sự thay đổi về lớp vỏ và sự lây truyền, khả năng chống lại kháng thể của virus hiệu quả hơn.


Câu 11:

Vì sao các biến thể mới của virus lại nguy hiểm hơn biến thể cũ?

Xem đáp án

Các biến thể mới của virus lại nguy hiểm hơn biến thể cũ vì biến thể mới của virus có hệ gene bị đột biến dẫn đến lớp vỏ có sự sai khác so với thể virus ban đầu, điều đó làm cho kháng thể trong cơ thể vật chủ không nhận ra và tiêu diệt được các mầm bệnh.


Câu 13:

Nêu các biện pháp hạn chế sự lây lan của virus ở người qua các vật chủ trung gian.

Xem đáp án

Một số biện pháp hạn chế sự lây lan của virus ở người qua các vật chủ trung gian:

- Hạn chế tiếp xúc với các vật chủ trung gian: mắc màn khi ngủ để tránh muỗi đốt; tránh tiếp xúc với các động vật có khả năng truyền virus như chuột, dơi,…

- Đeo khẩu trang và quần áo bảo hộ khi tiếp xúc với vật nuôi trong quá trình chăm sóc.

- Tiêm vaccine đầy đủ cho vật nuôi.

-…


Bắt đầu thi ngay