Giải SBT Sinh 10 CTST Bài 28: Thực hành: lên men có đáp án
-
76 lượt thi
-
20 câu hỏi
-
30 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Để làm sữa chua, cần những nguyên liệu nào sau đây?
(1) Sữa đặc;
(2) Nước sôi;
(3) Hộp sữa chua làm giống;
(4) Nồi nhôm;
(5) Sữa tươi;
(6) Thùng xốp;
A. (1), (2), (4), (6).
B. (1), (2), (3), (4).
C. (1), (2), (3), (5).
D. (2), (3), (5), (6).
Đáp án đúng là: C
- Nguyên liệu được sử dụng để làm sữa chua là: (1) Sữa đặc; (2) Nước sôi; (3) Hộp sữa chua làm giống; (5) Sữa tươi.
- Nồi nhôm và thùng xốp là dụng cụ chứ không phải là nguyên liệu để làm sữa chua.
Câu 2:
Hãy xếp thứ tự các bước làm sữa chua sao cho phù hợp.
(1) Hòa tan sữa đặc với nước sôi.
(2) Cho hộp sữa chua làm giống vào và khuấy đều.
(3) Để nguội sữa đặc đã hòa tan khoảng 40 oC.
(4) Chia sữa đã cấy giống vào dụng cụ đựng và ủ ở nhiệt độ khoảng 40 oC.
(5) Kiểm tra sữa thành phẩm và bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh.
A. (1), (2), (3), (4), (5).
B. (1), (2), (3), (4), (5).
C. (1), (2), (4), (3), (5).
D. (1), (3), (2), (4), (5).
Đáp án đúng là: D
Quy trình làm sữa chua được thực hiện theo các bước như sau:
(1) Hòa tan sữa đặc với nước sôi.
(3) Để nguội sữa đặc đã hòa tan khoảng 40 oC.
(2) Cho hộp sữa chua làm giống vào và khuấy đều.
(4) Chia sữa đã cấy giống vào dụng cụ đựng và ủ ở nhiệt độ khoảng 40 oC.
(5) Kiểm tra sữa thành phẩm và bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh.
Câu 3:
Những biểu hiện nào sau đây chứng tỏ kết quả làm sữa chua đã thành công?
(1) Sữa chua đông tụ lại;
(2) Có màu trắng sữa;
(3) Sủi bọt;
(4) Có vị chua nhẹ;
(5) Có màu vàng ngà;
A. (1), (2), (4).
B. (1), (2), (5).
C. (1), (3), (5).
D. (3), (4), (5).
Đáp án đúng là: A
Sữa chua thành phẩm có màu trắng sữa, mịn, sệt (đông tụ lại), có mùi thơm của sữa và vị chua nhẹ.
Câu 4:
Khi muối dưa chua, việc cho nguyên liệu đã xử lí vào dung dịch nước muối 5 – 6 % nhằm mục đích gì?
A. Để tạo vị mặn cho dưa.
B. Để dưa nhanh chua hơn.
C. Để ức chế các vi sinh vật gây thối.
D. Để kích thích quá trình lên men.
Đáp án đúng là: C
Dung dịch nước muối 5 – 6 % là dung dịch ưu trương đối với vi sinh vật gây thối, khiến cho các vi sinh vật gây thối bị mất nước và không thể phân chia → Khi muối dưa chua, việc cho nguyên liệu đã xử lí vào dung dịch nước muối 5 – 6 % nhằm mục đích để ức chế các vi sinh vật gây thối.
Câu 5:
Biểu hiện nào sau đây chứng tỏ kết quả muối dưa chua đã thành công?
(1) Ăn có vị chua, giòn;
(2) Mùi thơm đặc trưng;
(3) Sủi bọt nhiều;
(4) Nước có màu đục;
(5) Có vị chua nhẹ;
A. (1), (2), (4).
B. (1), (2), (5).
C. (1), (3), (5).
D. (3), (4), (5).
Đáp án đúng là: B
Dưa thành phẩm có vị chua, giòn; có mùi thơm đặc trưng và có màu vàng đặc trưng.
Câu 6:
Khi muối dưa chua, người ta thường cho thêm một ít nước dưa của lần muối trước vào cùng. Việc làm này có mục đích gì?
A. Để dưa nhanh chua hơn.
B. Để dưa không bị mùi hôi, thối.
C. Để dưa giòn hơn.
D. Để dưa chậm chua hơn.
Đáp án đúng là: A
Khi muối dưa chua, người ta thường cho thêm một ít nước dưa của lần muối trước vào cùng. Việc làm này giúp cung cấp một số lượng nhất định vi khuẩn lactic, giúp thúc đẩy quá trình lên men diễn ra nhanh chóng hơn. Kết quả dẫn đến dưa nhanh chua hơn.
Câu 7:
Trong những ngày đầu lên men trái cây, có rất nhiều bọt khí nổi lên. Lời giải thích nào sau đây về hiện tượng trên là đúng?
A. Đây là khí CO2 do quá trình lên men tạo ra, quá trình lên men diễn ra bình thường.
B. Đây là khí CO2 do quá trình lên men tạo ra, quá trình lên men bị hư.
C. Đây là khí O2 do quá trình lên men tạo ra, quá trình lên men diễn ra bình thường.
D. Đây là khí O2 do quá trình lên men tạo ra, quá trình lên men bị hư.
Đáp án đúng là: A
Trong quá trình lên men trái cây, hoạt động lên men của vi sinh vật có sinh ra khí CO2 tạo ra hiện tượng có rất nhiều bọt khí nổi lên. Đây là hiện tượng bình thường không ảnh hưởng gì đến quá trình lên men.
Câu 8:
Khi làm bánh mì, chúng ta cần những nguyên liệu nào sau đây?
(1) Bột mì;
(2) Đường;
(3) Muối;
(4) Vitamin C;
(5) Dầu ăn;
(6) Rượu;
A. (1), (2), (4), (6).
B. (1), (2), (3), (4).
C. (1), (3), (4), (5).
D. (2), (3), (5), (6).
Đáp án đúng là: C
Khi làm bánh mì, chúng ta cần những nguyên liệu là:
(1) Bột mì;
(3) Muối;
(4) Vitamin C;
(5) Dầu ăn;
Câu 9:
Hãy xếp thứ tự các bước làm bánh mì sao cho phù hợp.
(1) Cho men bánh mì vào hỗn hợp bột mì và chất phụ gia rồi trộn đều.
(2) Trộn bột mì với nước, muối, vitamin C theo tỉ lệ nhất định.
(3) Ủ bánh mì ở nhiệt độ 30 – 35 oC trong thời gian 1 giờ.
(4) Tạo hình khối cho bánh mì.
(5) Nướng bánh mì ở nhiệt độ khoảng 200 – 280 oC cho đến khi bánh chín vàng.
A. (1), (2), (3), (4), (5).
B. (2), (1), (4), (3), (5).
C. (1), (2), (4), (3), (5).
D. (2), (1), (3), (4), (5).
Đáp án đúng là: B
Quy trình sản xuất bánh mì thủ công được tiến hành theo các bước như sau:
(2) Trộn bột mì với nước, muối, vitamin C theo tỉ lệ nhất định.
(1) Cho men bánh mì vào hỗn hợp bột mì và chất phụ gia rồi trộn đều.
(4) Tạo hình khối cho bánh mì.
(3) Ủ bánh mì ở nhiệt độ 30 – 35 oC trong thời gian 1 giờ.
(5) Nướng bánh mì ở nhiệt độ khoảng 200 – 280 oC cho đến khi bánh chín vàng.
Câu 10:
Việc cho vitamin C (hoặc nước chanh, giấm gạo) vào bột làm bánh mì nhằm mục đích gì?
A. Làm cho bột mì nở nhiều hơn.
B. Làm cho bánh mì không bị cháy khi nướng.
C. Làm cho bánh mì dai và giòn hơn.
D. Làm cho bột mì không bị hỏng.
Đáp án đúng là: C
Việc cho vitamin C (hoặc nước chanh, giấm gạo) vào bột làm bánh mì nhằm mục đích làm cho bánh mì dai và giòn hơn.
Câu 11:
Hãy liệt kê một số sản phẩm lên men có ở địa phương em.
Một số sản phẩm lên men ở địa phương: dưa cải muối, cà pháo muối, rượu gạo, rượu nho, ủ men nếp cẩm, sữa chua,…
Câu 12:
Bạn A khi cất sữa chua vào tủ lạnh đã để quên một hộp ở ngoài môi trường (nhiệt độ khoảng 32 oC). Sau 2 ngày, bạn thấy hộp sữa chua bị sủi bọt, bị tách nước và có mùi chua hơn. Em hãy giải thích hiện tượng trên và cho biết có nên sử dụng hộp sữa chua này không?
- Giải thích hiện tượng: Do để hộp sữa chua ở nhiệt độ môi trường nên vi khuẩn lactic tiếp tục lên men tạo lactic acid, làm giảm chất dinh dưỡng, tạo ra bọt khí CO2 và nước.
- Không nên sử dụng hộp sữa chua này vì nó đã bị hỏng, bị biến tính nên sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa.
Câu 13:
Khi muối dưa hay làm sữa chua bị hỏng, người ta thường đổ lỗi do “tại tay” nên không thành công. Hãy giải thích về quan niệm này.
Đây là quan niệm sai. Sản phẩm lên men không thành công là do làm sai quy trình hoặc thiếu cẩn thận, không tiệt trùng dụng cụ,… khiến quá trình lên men không thuận lợi; hoàn toàn không phải do “tại tay”.
Câu 14:
Vì sao khi muối dưa cải hoặc các loại củ, quả, người ta thường phơi nguyên liệu đã sơ chế?
Khi muối dưa cải hoặc các loại củ, quả, người ta thường phơi nguyên liệu đã sơ chế nhằm giảm bớt lượng nước nên khi muối chua sẽ giòn hơn.
Câu 15:
Bạn A khi làm sữa chua đã đun sôi hỗn hợp sữa đặc, nước, sữa chua làm men giống trong 10 phút. Sau đó làm nguội hỗn hợp đã đun xuống khoảng 40 oC và rót vào lọ để ủ lên men. Hãy dự đoán kết quả và giải thích.
Sữa chua sẽ không lên men hoặc lên men rất yếu, do việc đun sôi đã giết chết các vi khuẩn lên men có trong men giống.
Câu 16:
Các sản phẩm lên men ngày càng có vị thế quan trọng trên thị trường, mang lại nhiều việc làm và thu nhập kinh tế cho người dân. Hãy chọn một sản phẩm lên men và lập kế hoạch sản xuất sản phẩm đó nhằm cung ứng cho thị trường với quy mô khoảng một triệu khách hàng.
Gợi ý: Kế hoạch sản xuất cần nêu được các vấn đề sau:
- Chọn sản phẩm lên men.
- Quy trình sản xuất.
- Dự trù nhân sự sản xuất, nguyên vật liệu, kinh phí thực hiện.
Câu 17:
Hãy thiết kế các pano, áp phích, tờ rơi,… để quảng bá sản phẩm lên men của địa phương ra thị trường.
• Gợi ý:
- Chọn sản phẩm lên men.
- Phân tích nhu cầu của thị trường: đối tượng, số lượng, sức mua,…
- Chuẩn bị các thông tin về sản phẩm: tên sản phẩm, logo, chất lượng sản phẩm, giá trị sử dụng, đảm bảo an toàn, giá tiền,…
- Lựa chọn nguyên liệu hoặc phần mềm để thiết kế pano, áp phích, tờ rơi.
- Thiết kế sản phẩm quảng cáo: kích thước phù hợp; nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu; đẹp, hấp dẫn người xem;…
• Ví dụ:
Câu 18:
Hãy lập dự án “Kinh doanh sản phẩm lên men” để quyên góp tiền ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Gợi ý:
- Mục tiêu dự án:
+ Sản xuất được sản phẩm lên men, đảm bảo chất lượng an toàn.
+ Bán được các sản phẩm lên men để lấy tiền ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
+ Ủng hộ được ít nhất 5 hoàn cảnh.
+ Tìm hiểu và lập được danh sách các bạn có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
- Nội dung dự án:
+ Lựa chọn sản phẩm lên men và xây dựng quy trình sản xuất.
+ Chuẩn bị: nguyên vật liệu, kinh phí thực hiện.
+ Tiến hành sản xuất sản phẩm lên men.
+ Quảng bá sản phẩm.
+ Bán sản phẩm.
+ Sử dụng tiền lời để tặng các hoàn cảnh khó khăn.
- Kế hoạch thực hiện dự án: nội dung, phương pháp tiến hành, người phụ trách.
- Báo cáo kết quả dự án: sản phẩm lên men; số tiền bán được, tiền lời; danh sách và số tiền hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.
- Rút kinh nghiệm: Lựa chọn sản phẩm kinh doanh đã phù hợp chưa? Chiến dịch quảng cáo và bán hàng đã phù hợp chưa? Làm thế nào để bán được nhiều sản phẩm và hỗ trợ được nhiều hoàn cảnh khó khăn?
Câu 19:
Thôn A trồng rất nhiều cây thanh long, năm nay được mùa nhưng mất giá, người dân đã phải bỏ nhiều tấn trái thanh long vì không bán được. Bằng kiến thức đã học về quá trình lên men, hãy đề xuất biện pháp sản xuất các sản phẩm lên men từ trái thanh long.
Gợi ý:
- Sản xuất nước giải khát từ trái thanh long.
- Sản xuất rượu từ trái thanh long.
-…
Câu 20:
Chứng kiến nhiều bạn nhỏ cơ nhỡ, không nơi nương tựa, không có việc làm nên bạn A đã có suy nghĩ: Mình có thể lập một lò sản xuất bánh mì, tạo việc làm cho các bạn nhỏ là bán bánh mì. Hãy giúp bạn A lập dự trù chi phí để xây dựng một lò sản xuất bánh mì với quy mô 500 bánh một ngày.
Gợi ý: Học sinh lập bảng dự trù chi phí để xây dựng một lò sản xuất bánh mì với quy mô 500 bánh một ngày theo mẫu như sau: