IMG-LOGO
Trang chủ Lớp 11 Lịch sử Giải SGK Lịch sử 11 CTST Bài 5: Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á có đáp án

Giải SGK Lịch sử 11 CTST Bài 5: Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á có đáp án

Giải SGK Lịch sử 11 CTST Bài 5: Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á có đáp án

  • 140 lượt thi

  • 7 câu hỏi

  • 45 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

Ngay từ thế kỉ XVI, các nước thực dân phương Tây đã đẩy mạnh xâm chiếm thuộc địa và thiết lập nền cai trị của chủ nghĩa thực dân ở các nước Đông Nam Á. Quá trình thực dân hoá ấy đã diễn ra như thế nào và nền cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á được thiết lập ra sao? Tại sao trong quá trình xâm lược đó, Xiêm lại không trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây?

Xem đáp án

- Trong các thế kỉ XVI - XIX, bằng nhiều cách thức và thủ đoạn khác nhau như: ngoại giao, buôn bán, truyền giáo, khống chế chính trị ép kí hiệp ước và dùng vũ lực thôn tính, thực dân phương Tây đã từng bước xâm chiếm gần hết các quốc gia Đông Nam Á.

- Sự thống trị của thực dân phương Tây đã dẫn đến những chuyển biến lớn ở các nước Đông Nam Á; đồng thời cũng đẩy mâu thuẫn dân tộc giữa nhân dân Đông Nam Á với chính quyền thực dân ngày càng sâu sắc, làm bùng nổ nhiều cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

- Xiêm là nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á không trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây, vì:

+ Trong bối cảnh bị thực dân phương Tây đe dọa xâm lược, chính phủ Xiêm đã nhanh chóng tiến hành cải cách đất nước một cách toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, hành chính, giáo dục, ngoại giao,… Trên cơ sở những thành tựu của công cuộc cải cách, chính phủ Xiêm đã tăng cường được sức mạnh của quốc gia, có thực lực để thực hiện đường lối ngoại giao mềm dẻo, nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước.

+ Nhận thức được ưu thế về vị trí địa chiến lược của mình, chính phủ Xiêm đã khôn khéo kí kết các hiệp ước với nội dung đồng ý cắt một số vùng lãnh thổ thuộc ảnh hưởng của Xiêm ở Lào, Campuchia, Mã Lai cho Pháp và Anh để bảo vệ nền độc lập của nước mình.


Câu 2:

Trình bày quá trình xâm lược và cai trị của thực dân phương Tây ở các nước Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX?

Xem đáp án

♦ Quá trình xâm lược và cai trị của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á hải đảo

- Từ sau các cuộc phát kiến địa lí, các nước tư bản phương Tây tăng cường tìm kiếm thị trường và thuộc địa; trong khi đó, các quốc gia phong kiến ở Đông Nam Á đang suy yếu, khủng hoảng. Nhân cơ hội này, các nước tư bản phương Tây tiến hành xâm lược và cai trị các nước ở Đông Nam Á.

+ Ở Inđônêxia, từ thế kỉ XV - XVI, các thế lực thực dân Bồ Đào Nha và Hà Lan cạnh tranh ảnh hưởng. Đến thế kỉ XIX, Hà Lan hoàn thành việc xâm chiếm và thiết lập ách thống trị thực dân trên đất nước này.

+ Ở Philíppin: Từ thế kỉ XVI, Philíppin bị thực dân Tây Ban Nha thống trị. Sau khi thất bại trong cuộc chiến tranh với Mỹ (1898), Tây Ban Nha đã nhượng quyền quản lí thuộc địa Philíppin cho Mỹ. Từ năm 1899, Philíppin trở thành thuộc địa của Mỹ.

+ Ở Mã Lai, năm 1826, thực dân Anh đẩy mạnh xâm chiếm các tiểu quốc như Kêđa, Pênang,... và thành lập Mã Lai thuộc Anh vào năm 1895.

- Các nước thực dân phương Tây đã thực thi chính sách chính trị hà khắc, đàn áp phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, vơ vét bóc lột cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hầu hết các nước Đông Nam Á hải đảo đều rơi vào tình trạng lạc hậu, phụ thuộc nặng nề vào nền kinh tế của các nước phương Tây.

♦ Quá trình xâm lược và cai trị của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á lục địa

- Sau quá trình lâu dài xâm nhập và chuẩn bị, đến thế kỉ XIX, các nước thực dân phương Tây bắt đầu quá trình xâm lược vào các nước Đông Nam Á lục địa.

+ Ở Miến Điện, sau ba cuộc chiến tranh xâm lược (1824 - 1826, 1852, 1885) thực dân Anh thôn tính Miến Điện rồi sáp nhập nước này thành một tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh.

+ Ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia là đối tượng xâm lược của thực dân Pháp. Đến cuối thế kỉ XIX, thực dân Pháp đã hoàn thành quá trình xâm lược những nước này và bắt đầu thi hành chính sách bóc lột, khai thác thuộc địa.

+ Vương quốc Xiêm, trong nửa cuối thế kỉ XIX, trở thành vùng tranh chấp của thực dân Anh và Pháp. Với chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo của vua Ra-ma V, Xiêm là nước duy nhất ở Đông Nam Á giữ được nền độc lập tương đối về chính trị.

- Thực dân Anh và thực dân Pháp tiến hành chính sách “chia để trị” nhằm xóa bỏ nền độc lập đối với Miến Điện và ba nước Đông Dương. Về kinh tế, thực thi chính sách khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, chính sách thuế khóa nặng nề. Về văn hoá, thực hiện chính sách nô dịch và đồng hoá.


Câu 3:

Trình bày hoàn cảnh và nội dung chủ yếu của công cuộc cải cách ở Xiêm.

Xem đáp án

- Hoàn cảnh:

+ Giữa thế kỉ XIX, Vương quốc Xiêm đứng trước sự đe dọa của thực dân phương Tây, nhất là thực dân Anh và Pháp trong cuộc chạy đua về thuộc địa để tìm kiếm nguyên nhiên liệu, lao động và thị trường cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.

+ Trước sự đe dọa của thực dân phương Tây và yêu cầu cấp bách để bảo vệ nền độc lập, phát triển đất nước. Vua Môngkút (Rama IV, trị vì từ năm 1851 đến năm 1868) và vua Chulalongcon (Rama V, trị vì từ năm 1868 đến năm 1910) đã tiến hành công cuộc cải cách.

- Nội dung cải cách:

+ Về kinh tế: nhà nước giảm thuế nông nghiệp, xóa bỏ chế độ lao dịch, khuyến khích tư nhân bỏ vốn kinh doanh, xây dựng nhà máy, mở hiệu buôn, ngân hàng,... Tư bản nước ngoài được phép đầu tư kinh doanh.

+ Về chính trị: Đứng đầu nhà nước là vua, bên cạnh vua có Hội đồng nhà nước giữ vai trò là cơ quan tư vấn. Hội đồng chính phủ phụ trách hành pháp, gồm 12 bộ trưởng do các hoàng thân du học ở phương Tây về đảm nhiệm. Quân đội được trang bị và huấn luyện theo kiểu phương Tây.

+ Về xã hội: nhà nước xóa bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ, giải phóng người lao động.

+ Về văn hoá, giáo dục: mở các trường học theo mô hình phương Tây.

+ Về ngoại giao: Xiêm thực hiện ngoại giao mềm dẻo, từng bước xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng, lợi dụng vị trí nước đệm và mâu thuẫn giữa thực dân Anh và Pháp để giữ gìn chủ quyền đất nước.


Câu 4:

Nêu ý nghĩa của công cuộc cải cách đối với sự phát triển của Vương quốc Xiêm.

Xem đáp án

- Công cuộc cải cách đã góp phần bảo vệ được nền độc lập, chủ quyền của Xiêm trước sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân. Nhờ đường lối ngoại giao khôn khéo, thực dụng, biết lựa chọn và tận dụng tốt những cơ hội khách quan nên Xiêm là nước duy nhất trong khu vực thoát khỏi thân phận là một nước thuộc địa.

- Công cuộc cải cách ở Xiêm mang tính chất tiến bộ, đáp ứng phần nào yêu cầu của lịch sử, đưa đất nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa và giữ được nền độc lập dân tộc mặc dù vẫn còn lệ thuộc về nhiều mặt.


Câu 5:

Hoàn thành bảng thống kê các nước thực dân phương Tây xâm lược các quốc gia ở Đông Nam Á theo mẫu bên.

 

Các nước Đông Nam Á bị thực dân phương Tây xâm lược

Thực dân Anh

 

Thực dân Pháp

 

….

 

Xem đáp án

 

Các nước Đông Nam Á bị thực dân phương Tây xâm lược

Thực dân Anh

Miến Điện, Mã Lai

Thực dân Pháp

Việt Nam, Lào, Campuchia

Thực dân Hà Lan

Inđônêxia

Thực dân Tây Ban Nha

Philíppin


Câu 6:

Vì sao trong khu vực Đông Nam Á, Xiêm là nước duy nhất không trở thành thuộc địa của các nước thực dân phương Tây?
Xem đáp án

- Xiêm là nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á không trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây, vì:

+ Trong bối cảnh bị thực dân phương Tây đe dọa xâm lược, chính phủ Xiêm đã nhanh chóng tiến hành cải cách đất nước một cách toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, hành chính, giáo dục, ngoại giao,… Trên cơ sở những thành tựu của công cuộc cải cách, chính phủ Xiêm đã tăng cường được sức mạnh của quốc gia, có thực lực để thực hiện đường lối ngoại giao mềm dẻo, nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước.

+ Mặt khác, Xiêm có vị trí địa lí rất đặc biệt. Ở thời điểm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, vị trí địa lí của Xiêm nằm giữa hai khu vực là: Ấn Độ thuộc Anh (bao gồm Ấn Độ, Miến Điện, Mã Lai) và Đông Dương thuộc Pháp (bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia). Trên thực tế cả Anh và Pháp đều không muốn đụng độ với nhau ở Xiêm nên đã quyết định biến Xiêm trở thành “vùng đệm”. Nhận thức được ưu thế về vị trí địa chiến lược của mình, chính phủ Xiêm đã khôn khéo kí kết các hiệp ước với nội dung đồng ý cắt một số vùng lãnh thổ thuộc ảnh hưởng của Xiêm ở Lào, Campuchia, Mã Lai cho Pháp và Anh để bảo vệ nền độc lập của nước mình.


Câu 7:

Hãy lí giải vì sao trong cùng bối cảnh, Vương quốc Xiêm đã thực hiện thành công cải cách, trong khi cải cách ở Việt Nam lại không thành công.

Xem đáp án

Trong cùng bối cảnh, Vương quốc Xiêm đã thực hiện thành công cải cách, trong khi cải cách ở Việt Nam lại không thành công, vì:

- Thứ nhất, khác biệt về vị thế, tiềm lực của vương triều Chakri (ở Xiêm) và triều Nguyễn (ở Việt Nam)

+ Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Xiêm đã được xây dựng và củng cố từ giữa thế kỷ XVIII. Nhìn chung, trong thời gian trị vì của vua Rama I đến Rama V, tình hình chính trị - xã hội ở Xiêm tương đối ổn định.

+ Ở Việt Nam, nhà Nguyễn ra đời vào đầu thế kỉ XIX; tình hình chính trị - xã hội của đất nước không ổn định do triều Nguyễn thường xuyên phải đối phó với các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Tính chung từ đầu thời Gia Long (năm 1802), đến thời Tự Đức (1862), ở Việt Nam đã diễn ra khoảng 405 cuộc nổi dậy của nhân dân chống lại triều đình.

- Thứ hai, khác biệt về tiền đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội

+ Những cơ sở chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, giáo dục của vương quốc Xiêm so với Việt Nam vào thế kỷ XIX có nhiều thuận lợi hơn cho việc hình thành, phát triển và thực hiện các chủ trương cải cách.

+ Mặc dù cả Xiêm và Việt Nam đều là chế độ phong kiến trung ương tập quyền, nhưng so với Việt Nam, xã hội Xiêm là một xã hội thống nhất, cởi mở hơn. Tuy nền kinh tế của cả hai nước đều lấy canh tác nông nghiệp làm cơ sở phát triển, nhưng yếu tố hàng hoá, thị trường ở Xiêm phát triển mạnh hơn nhiều so với Việt Nam.

=> Nói tóm lại, ở Xiêm, những tiền đề cho xu hướng cải cách được định hình và phát triển đầy đủ hơn.

- Thứ ba, khác biệt về lực lượng tiến hành cải cách

+ Ở Xiêm: các nhà vua Thái Lan và các quan chức cao cấp trong bộ máy hành chính, vừa là những người chủ xướng đưa ra ý tưởng cải cách, canh tân đất nước, vừa là những người có quyền lực để thực thi những chủ trương đó.

+ Ở Việt Nam: lực lượng đề xướng cho trào lưu cải cách, canh tân đất nước là một số ít quan lại, nho sĩ tiến bộ, thức thời. Những nhà cải cách ở Việt Nam không phải là người nắm giữ quyền lực tối cao của đất nước. Bên cạnh đó, trào lưu cải cách ở Việt Nam cũng không nhận được sự ủng hộ của triều Nguyễn (đứng đầu là vua Tự Đức).

- Thứ tư, sự khác biệt trong thái độ ứng phó với thực dân phương Tây

+ Ở Xiêm: triều đình Xiêm đã có nhận thức đúng đắn về tình hình khu vực và quốc tế, biết tận dụng một cách triệt để thời cơ, biết khai thác mâu thuẫn giữa các đối thủ, biết hy sinh những lợi ích trước mắt, phục vụ cho những mục tiêu lâu dài. Trên cơ sở đó, họ đã đề ra đường lối đối ngoại phù hợp, cởi mở, thực dụng (Xiêm nhận thức được vị trí “vùng đệm” của mình và những mâu thuẫn, sự kình địch giữa thực dân Anh và Pháp, trên cơ sở đó, chính phủ Xiêm đã khôn khéo kí kết các hiệp ước với nội dung đồng ý cắt một số vùng lãnh thổ thuộc ảnh hưởng của Xiêm ở Lào, Campuchia, Mã Lai cho Pháp và Anh để bảo vệ nền độc lập của nước mình).

+ Ở Việt Nam: trước hành động xâm lược của thực dân Pháp, triều đình nhà Nguyễn đã thiếu quyết tâm kháng chiến; phạm nhiều sai lầm trong đường lối chỉ đạo chiến đấu và đường lối ngoại giao. Mặt khác, trước sức mạnh quân sự vượt trội của Pháp, nội bộ triều Nguyễn đã có sự phân hóa thành hai phái: chủ hòa và chủ chiến (phái chủ hòa lại chiếm ưu thế trong triều đình).


Bắt đầu thi ngay