Giải SGK Lịch sử 11 Kết nối tri thức Bài 7: Khái quát về chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong lịch sử Việt Nam có đáp án
Giải SGK Lịch sử 11 Kết nối tri thức Bài 7: Khái quát về chiến tranh bảo vệ tổ quốc trong lịch sử Việt Nam có đáp án
-
121 lượt thi
-
14 câu hỏi
-
45 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Hình bên là một con tem do nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành năm 1971 nhân kỉ niệm 200 năm phong trào Tây Sơn. Hãy cho biết hình ảnh đó nhắc đến sự kiện lịch sử nào? Kể tên một số cuộc kháng chiến thắng lợi tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam mà em biết. Theo em, những nguyên nhân nào làm nên thắng lợi của các cuộc kháng chiến đó?
- Hình 1 gợi nhắc đến sự kiện: vua Quang Trung lãnh đạo nhân dân Đại Việt đánh tan cuộc xâm lược của 29 vạn quân Thanh (năm 1789).
- Một số cuộc kháng chiến thắng lợi tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam:
+ Kháng chiến chống quân Nam Hán (năm 938).
+ Kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê (năm 981).
+ Kháng chiến chống Tống thời Lý (năm 1075 - 1077).
+ Ba lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên dưới thời Trần (thế kỉ XIII)
+ Kháng chiến chống quân Xiêm (năm 1785).
+ Kháng chiến chống quân Thanh (năm 1789).
- Nguyên nhân làm nên thắng lợi của của các cuộc kháng chiến đó:
+ Đây đều là các cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.
+ Nhân dân Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm.
+ Quân dân Việt Nam có kế sách đánh giặc đúng đắn, linh hoạt, nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo.
+ Sự lãnh đạo đúng đắn và tài năng thao lược của các danh tướng tài ba.
+ Các cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang là chiến tranh phi nghĩa; trong quá trình xâm lược, quân giặc còn gặp một số khó khăn.
Câu 2:
Khai thác hình 2 và thông tin trong mục, nêu vị trí địa chiến lược của Việt Nam.
- Vị trí địa chiến lược của Việt Nam:
+ Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á - khu vực nằm trên trục đường giao thông quan trọng kết nối châu Á và châu Đại Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
+ Việt Nam cũng là cầu nối giữa Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á; giữa Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo,…
Câu 3:
Cho biết, vị trí đó có ảnh hưởng như thế nào đến lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam?
- Do Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng, nên: trong suốt tiến trình lịch sử, Việt Nam luôn phải đối phó với nhiều thế lực ngoại xâm và tiến hành nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Câu 4:
Khai thác tư liệu 1 và thông tin trong mục, phân tích vai trò và ý nghĩa lịch sử của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam.
- Vai trò: Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có vai trò quan trọng đối với sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của những cuộc kháng chiến góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập, giữ gìn bản sắc văn hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng đất nước.
- Ý nghĩa: Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có ý nghĩa lớn trong việc hình thành và vâng cao lòng tự hào, ý thức tự cường và tô đậm những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc.
Câu 5:
- Một số cuộc kháng chiến thắng lợi tiêu biểu của dân tộc Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945:
+ Kháng chiến chống quân Nam Hán (938)
+ Kháng chiến chống quân Tống thời Tiền Lê (981)
+ Kháng chiến chống quân Tống thời Lý (1075 - 1077)
+ Kháng chiến chống quân Mông Cổ và quân Nguyên thời Trần (thế kỉ XIII)
+ Kháng chiến chống quân Xiêm (1785)
+ Kháng chiến chống quân Thanh (1789)
Câu 6:
Trình bày một số nét chính về các cuộc kháng chiến thắng lợi đó.
- Kháng chiến chống quân Nam Hán (938)
+ Người chỉ huy: Ngô Quyền
+ Trận quyết chiến: Bạch Đằng (Quảng Ninh, Hải Phòng)
- Kháng chiến chống quân Tống thời Tiền Lê (981)
+ Người chỉ huy: Lê Hoàn
+ Trận quyết chiến: Bạch Đằng (Quảng Ninh, Hải Phòng)
- Kháng chiến chống quân Tống thời Lý (1075 - 1077)
+ Người chỉ huy: Lý Thường Kiệt
+ Trận quyết chiến: Phòng tuyến Như Nguyệt (Bắc Ninh)
- Kháng chiến chống quân Mông Cổ và quân Nguyên thời Trần (thế kỉ XIII)
+ Người chỉ huy: các vua Trần và nhiều tướng lĩnh tài giỏi khác, như: Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khái,…
+ Trận quyết chiến: trận Bình Lệ Nguyên và Đông Bộ Đầu trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất; trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Thăng Long trong cuộc kháng chiến lần thứ hai; trận Bạch Đằng trong cuộc kháng chiến lần thứ ba.
- Kháng chiến chống quân Xiêm (1785)
+ Người chỉ huy: Nguyễn Huệ
+ Trận quyết chiến: Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang).
- Kháng chiến chống quân Thanh (1789)
+ Người chỉ huy: Quang Trung (Nguyễn Huệ)
+ Trận quyết chiến: Ngọc Hồi - Đống Đa (Hà Nội).
Câu 7:
Khai thác tư liệu 2 và thông tin trong mục, nêu những biểu hiện của tinh thần đoàn kết toàn dân trong các cuộc kháng chiến.
- Biểu hiện của tinh thần đoàn kết toàn dân trong các cuộc kháng chiến:
+ Đoàn kết trong nội bộ triều đình. Ví dụ: để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1285, nhà Trần đã tổ chức Hội nghị Bình Than (năm 1282), triệu tập các vương hầu, quý tộc, tướng lĩnh để bàn kế sách đánh giặc,...
+ Đoàn kết giữa triều đình với nhân dân. Ví dụ: trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược năm 1285, nhà Trần đã triệu tập hội nghị Diên Hồng để củng cố quyết tâm và tinh thần đoàn kết chiến đấu giữa triều đình với nhân dân cả nước.
+ Đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân các vùng, miền trong cả nước. Ví dụ: cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý có sự tham gia tích cực của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng biên giới phía Bắc Đại Việt, với các anh hùng tiêu biểu như: Tôn Đản (người dân tộc Nùng), Thân Cảnh Phúc (người dân tộc Tày),...
Câu 8:
Giải thích những nguyên nhân chính đưa đến thắng lợi của các cuộc kháng chiến.
- Nguyên nhân chủ quan
+ Trước hết, đây đều là các cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.
+ Thứ hai, nhân dân Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn. Tất cả các tầng lớp nhân dân, các dân tộc đều tham gia kháng chiến, tạo thành khối đoàn kết toàn dân vững chắc.
+ Thứ ba, kế sách đánh giặc đúng đắn, linh hoạt, nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo cũng là nguyên nhân quan trọng đưa đến thắng lợi của các cuộc kháng chiến. Ví dụ: kế sách “tiên phát chế nhân” trong cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý (1075 - 1077); kế sách “thanh dã” trong 3 lần kháng chiến chống Mông - Nguyên (thế kỉ XIII),…
+ Thứ tư, lãnh đạo chỉ huy các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đều là các tướng lĩnh tài năng, mưu lược như Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ - Quang Trung....
- Nguyên nhân khách quan:
+ Các cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang là chiến tranh phi nghĩa.
+ Trong quá trình xâm lược, quân giặc còn gặp một số khó khăn như: đường hành quân xa, thiếu lương thực, không quen địa hình và điều kiện tự nhiên nhiên của Đại Việt,…
Câu 9:
Trình bày một số nét chính về các cuộc kháng chiến không thành công trong lịch sử dân tộc.
♦ Kháng chiến chống quân Triệu của An Dương Vương (179 TCN):
- Sau nhiều lần tấn công Âu Lạc nhưng đều thất bại, Triệu Đà vờ giảng hoà với An Dương Vương, rồi lập mưu cho con trai là Trọng Thuỷ cầu hôn Công chúa Mỵ Châu và ở rể tại thành Cổ Loa để tìm hiểu vũ khí quân sự của Âu Lạc.
- Năm 179 TCN, Triệu Đà đem quân tấn công Âu Lạc. Cuộc kháng chiến chống Triệu của An Dương Vương nhanh chóng thất bại.
♦ Kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ (1406 - 1407):
- Cuối năm 1406, nhà Minh huy động một lực lượng quân đội lớn do Trương Phụ và Mộc Thạnh chỉ huy sang xâm lược Đại Ngu.
- Cuối tháng 1/1407, quân Minh chiếm được thành Đa Bang và Đông Đô (Hà Nội). Nhà Hồ phải rút quân về cố thủ ở thành Tây Đô (Thanh Hoá).
- Đến tháng 6/1407, cuộc kháng chiến của nhà Hồ bị thất bại.
♦ Kháng chiến chống thực dân Pháp của triều Nguyễn (1858 - 1884):
- Năm 1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
- Nhân dân Việt Nam phối hợp với quân đội triều đình anh dũng chiến đấu chống quân xâm lược Pháp ở các mặt trận: Đà Nẵng, Gia Định, Bắc Kì,... Một số cuộc nổi dậy chống quân Pháp xâm lược do Trương Định Nguyễn Trung Trực, và Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân,... lãnh đạo và chiến thắng Cầu Giấy lần 1, lần 2,... đã gây cho Pháp nhiều thiệt hại.
- Trong lúc phong trào kháng chiến đang diễn ra mạnh mẽ thì triều đình nhà Nguyễn đã từng bước nhượng bộ, lần lượt kí với Pháp các bản hiệp ước Nhâm Tuất (1862), Giáp Tuất (1874), Hác-măng (1883) và Pa-tơ-nốt (1884).
- Hiệp ước Pa-tơ-nốt đánh dấu sự đầu hàng hoàn toàn của triều Nguyễn trước thực dân Pháp, kết thúc giai đoạn tồn tại của Nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập.
Câu 10:
Khai thác tư liệu 3, em rút ra bài học lịch sử gì?
- Câu nói của Hồ Nguyên Trừng cho thấy: sự ủng hộ của nhân dân và tinh thần đoàn kết trong toàn dân là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành công của các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ hoặc giành lại độc lập dân tộc.
=> Bài học lịch sử rút ra là: trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, chúng ta phải luôn chú trọng đến việc tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Câu 11:
Giải thích nguyên nhân không thành công của một số cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
♦ Nguyên nhân không thành công:
- Thứ nhất, những người lãnh đạo kháng chiến đã không tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, không xây dựng được khối đoàn kết toàn dân.
+ Tương truyền, An Dương Vương không nghe lời khuyên bảo, can ngăn của các tướng giỏi như Cao Lỗ, Nồi Hầu, Đinh Toán,... làm cho nội bộ bất hoà, nhiều tướng bị giết hại hoặc phải bỏ đi
+ Triều Hồ không đoàn kết được toàn dân để kháng chiến, khiến cho: “Quân của họ Hồ trăm vạn người trăm vạn lòng”.
- Thứ hai, trong quá trình kháng chiến, những người lãnh đạo, chỉ huy đã phạm phải một số sai lầm nghiêm trọng.
+ Triều Hồ quá chú trọng vào việc xây dựng phòng tuyến quân sự và lực lượng quân đội chính quy nên tự “giam mình” trong thế trận phòng ngự bị động.
+ Triều Nguyễn không có đường lối kháng chiến đúng đắn, tư tưởng thiên về chủ hoà,.... Trong khi đó, phong trào kháng chiến của nhân dân tuy diễn ra quyết liệt nhưng lẻ tẻ, tự phát, thiếu sự lãnh đạo thống nhất.
- Thứ ba, tương quan lực lượng chênh lệch không có lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến sự thất bại của các cuộc kháng chiến.
Câu 12:
Lập sơ đồ tư duy tóm tắt nội dung chính của một số cuộc kháng chiến thắng lợi tiêu biểu trước cách mạng tháng Tám năm 1945 (thời gian, đối tượng xâm lược/ kẻ thù, chiến thắng tiêu biểu, kết quả).
(*) Sơ đồ tham khảo
Câu 13:
Kể tên một số vị tướng tài giỏi trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Em có ấn tượng với vị tướng nào nhất? Vì sao?
- Một số vị tướng tài giỏi trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc là: Ngô Quyền; Lê Hoàn; Lý Thường Kiệt; Trần Quốc Tuấn; Nguyễn Huệ,...
- Tham khảo: Em ấn tượng nhất với Nguyễn Huệ. Vì:
+ Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự, một vị anh hùng dân tộc kiệt xuất. Hình ảnh Nguyễn Huệ tiêu biểu cho tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Chỉ với 39 tuổi xuân nhưng ông đã có 22 năm đánh Nam dẹp Bắc: lần lượt đánh đổ các chính quyền phong kiến Nguyễn, Trịnh, Lê - tạo cơ sở cho quá trình thống nhất đất nước; đuổi Xiêm diệt Thanh - góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập của nước nhà. Mỗi chiến công trong cuộc đời Nguyễn Huệ đánh dấu một mốc son trong lịch sử hào hùng của cả dân tộc Việt Nam.
+ Không chỉ thể hiện tài năng trên lĩnh vực quân sự, Nguyễn Huệ còn là một nhà cải cách, với những chính sách tiến bộ nhằm canh tân đất nước. Trong thời gian ngắn ngủi (4 năm) kể từ khi lên ngôi hoàng đế sáng lập vương triều (năm 1788) cho đến khi từ trần (năm 1792), công cuộc canh tân dựng nước cùng với những hoài bão lớn lao của vua Quang Trung tuy chưa được thực hiện đầy đủ và chưa phát huy hết tác dụng nhưng đã cho thấy tầm vóc, tài năng và ý chí quật khởi, tự cường của ông.
(*) Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo.
Câu 14:
Sưu tầm thêm tư liệu từ sách, báo, internet, hãy chỉ ra những bài học lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Những bài học đó có giá trị như thế nào đối với công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?
♦ Một số bài học kinh nghiệm từ các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm:
- Bài học về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc: đoàn kết dân tộc là yếu tố đóng vai trò nền tảng, then chốt. Việc xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc thể hiện qua chính sách đoàn kết trong nội bộ tướng lĩnh, giữa tướng lĩnh và binh lính, giữa các tầng lớp nhân dân và các dân tộc....
- Bài học về nghệ thuật quân sự: nổi bật là nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân; lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu chống mạnh; kết hợp giữa hoạt động quân sự, chính trị, ngoại giao và binh vận,...
♦ Giá trị của các bài học kinh nghiệm:
- Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, có vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế - văn hóa; trong quá trình xây dựng và củng cố nền quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
- Bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử Việt Nam cũng có giá trị đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến đổi.