Giải SGK Sinh học 12 Sinh thái học Chương 3: Hệ sinh thái sinh quyển và bảo vệ môi trường
Bài 42: Hệ sinh thái
-
1590 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
30 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Quan sát hình 42.1, hãy cho biết các thành phần vô sinh và hữu sinh của một hệ sinh thái.
Thành phần vô sinh và hữu sinh của một hệ sinh thái:
- Thành phần vô sinh là môi trường vật lí (sinh cảnh): ánh sáng, khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa, gió,…), đất, nước, xác sinh vật.
- Thành phần hữu sinh bao gồm nhiều loài sinh vật của quần xã:
+ Sinh vật sản xất là sinh vật có khả năng sử dụng năng lượng mặt trời để tổng hợp nên các chất hữu cơ. Sinh vật sản xuất gồm thực vật là chủ yếu và một số vi sinh vật tự dưỡng.
+ Sinh vật tiêu thụ gồm các động vật ăn thực vật và động vật ăn động vật.
+ Sinh vật phân giải gồm chủ yếu là các vi khuẩn, nấm, một số loài động vật không xương sống (như giun đất, sâu bọ,…); chúng phân giải xác chết và chất thải của sinh vật thành các chất vô cơ.
Câu 2:
Hãy nêu ví dụ về một hệ sinh thái nhân tạo. Nêu các thành phần của hệ sinh thái và các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng hệ sinh thái.
- Ví dụ hệ sinh thái nhân tạo: Hệ sinh thái đồng lúa.
- Thành phần của hệ sinh thái:
+ Thành phần vô sinh: ánh sáng, khí hậu, đất, nước, xác sinh vật.
+ Thành phần hữu sinh: lúa nước, côn trùng, ếch nhái, vi sinh vật, ốc, cá, giun,….
- Các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng hệ sinh thái:
+ Bón phân hợp lí.
+ Tưới tiêu nước đầy đủ.
+ Diệt cỏ hại, sâu bệnh.
+ Xới đất, khử chua đồng ruộng.
Câu 3:
Thế nào là một hệ sinh thái? Tại sao nói hệ sinh thái biểu hiện chức năng của một tổ chức sống?
* Hệ sinh thái bao gồm quần xã sinh vật và nơi sống của quần xã (sinh cảnh). Các sinh vật trong quần xã luôn tác động lẫn nhau và tác động qua lại với các nhân tố vô sinh của môi trường tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh và tương đối ổn định.
* Hệ sinh thái biểu hiện chức năng như một tổ chức sống, qua sự trao đổi vật chất và năng lượng giữa các sinh vật trong nội bộ quần xã và giữa quần xã với sinh cảnh của chúng. Trong đó, quá trình "đồng hoá"- tổng hợp các chất hữu cơ, sử dụng năng lượng mặt trời do các sinh vật tự dưỡng trong hệ sinh thái thực hiện và quá trình "dị hoá" do các sinh vật phân giải chất hữu cơ thực hiện.
Câu 4:
Hãy lấy ví dụ về một hệ sinh thái trên cạn và một hệ sinh thái dưới nước (hệ sinh thái tự nhiên hoặc nhân tạo), phân tích thành phần cấu trúc của các hệ sinh thái đó.
* Ví dụ hệ sinh thái trên cạn: Hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Thành phần cấu trúc của hệ sinh thái này gồm:
- Thành phần vô sinh: đất, đá, nước, thảm mục, độ ẩm, ánh sáng ...
- Sinh vật sản xuất: các cây gỗ to, vừa, nhỏ, cây bụi, cây leo,…
- Sinh vật tiêu thụ: chim, khỉ, trâu, bò, hươu, nai, hổ, báo,…
- Sinh vật phân giải: Giun đất, sâu bọ, vi khuẩn, nấm, địa y
* Ví dụ hệ sinh thái dưới nước: Hệ sinh thái đầm nước nông. Thành phần cấu trúc gồm:
- Thành phần vô sinh: đất, đá, nước, thảm mục, các chất lắng đọng, nhiệt độ, ánh sáng,…
- Sinh vật sản xuất: Tảo, rong, bèo sen, cây cỏ, cây bụi mọc ven bờ
- Sinh vật tiêu thụ: Cua, ốc, tôm, cá, ếch nhái, rắn, ba ba, chim…
- Sinh vật phân huỷ: giun, các vi sinh vật
Câu 5:
Hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân tạo có những đặc điểm gì giống và khác nhau?
Hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo có những điểm giống và khác nhau:
- Giống nhau:
+ Đều có đặc điểm chung về thành phần cấu trúc, bao gồm thành phần chất vô sinh và thành phần chất hữu sinh. Thành phần vật chất vô sinh là môi trường vật lí (sinh cảnh) và thành phần hữu sinh là quần xã sinh vật.
+ Các sinh vật trong quần xã luôn tác động lẫn nhau đồng thời tác động với các thành phần vô sinh của sinh cảnh.
- Khác nhau:
+ Hệ sinh thái tự nhiên: có thành phần loài và kích thước rất đa dạng.
+ Hệ sinh thái nhân tạo có thành phần loài ít, do đó tính ổn định của hệ sinh thái thấp, dễ bị dịch bệnh. Hệ sinh thái nhân tạo nhờ được áp dụng các biện pháp canh tác và kĩ thuật hiện đại nên sinh trưởng của các cá thể nhanh, năng suất sinh học cao…