Soạn văn 11 Cánh diều Sóng có đáp án
-
138 lượt thi
-
13 câu hỏi
-
45 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
- Xem lại những kiến thức đã học về thơ để đọc hiểu văn bản này.
- Tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Xuân Quỳnh và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Sóng qua các nguồn khác nhau như sách, báo, Internet,…; lựa chọn, ghi chép một số thông tin cần thiết giúp cho việc đọc hiểu bài thơ.
- Đọc trước bài thơ Sóng, lưu ý nhịp điệu của bài thơ.
- Em biết những bài thơ nào khác của Xuân Quỳnh? Ấn tượng của em về Xuân Quỳnh qua những bài thơ đó?
- Tác giả Xuân Quỳnh: (1942 – 1988) tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh.
+ Quê quán xã La Khê, thị xã Hà Đông, Tỉnh Hà Đông, nay thuộc Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội. Bà là một trong những nhà thơ nữ Việt Nam với nhiều những tác phẩm thơ nổi tiếng và được nhiều người biết đến.
+ Xuân Quỳnh được xem là một trong nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều những bài thơ đã đi vào lòng của biết bao nhiêu thế hệ như: Thuyền và Biển, Sóng, Tiếng gà trưa, Thơ tình cuối mùa thu,…
+ Nhà thơ đã được nhà nước phong tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về những thành tựu bà đã làm cho nền văn học của nước nhà.
- Hoàn cảnh sáng tác bài Sóng: được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi công tác vùng biển Diêm Điền. Trước khi Sóng ra đời, Xuân Quỳnh đã phải nếm trải những đổ vỡ trong tình yêu. Đây là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách thơ Xuân Quỳnh. Tác phẩm được in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).
- Nhịp điệu bài thơ Sóng: câu thơ được ngắt nhịp linh hoạt, mô phỏng cái đa dạng của nhịp sóng: 2/3; 3/1/1; 3/2.
- Em biết bài thơ “Thuyền và biển”, “Tiếng gà trưa” của tác giả Xuân Quỳnh. Ấn tượng của em qua những bài thơ đó của Xuân Quỳnh là bà thường sáng tác hướng nhiều về nội tâm: kỉ niệm tuổi thơ, tình yêu,…gần gũi với đời sống.
Câu 2:
Bài thơ nói về tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy, muốn vượt lên thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người. Từ đó cho thấy tình yêu là một thứ tình cảm cao đẹp, một hạnh phúc lớn lao của con người.
Câu 3:
Chú ý các trạng thái ngược của sóng và nguyên nhân sóng từ sông ra bể.
- Các trạng thái trái ngược của sóng: Ồn ào - lặng lẽ, dữ dội - dịu êm.
- Nguyên nhân sóng từ sông ra bể: khát vọng muốn vươn xa, thoát khỏi những gì chật chội, nhỏ hẹp và tầm thường.
Câu 4:
Hình tượng “sóng” gợi lên những suy nghĩ gì về tình yêu?
- Hình tượng “sóng” gợi lên những suy nghĩ về tình yêu: thể hiện mong muốn tìm được cội nguồn của tình yêu, lí giải được tình yêu, khát khao hiểu được tình yêu, hiểu được bản thân mình và hiểu được người mình yêu.
Câu 5:
Nỗi nhớ trong tình yêu được thể hiện như thế nào qua hình tượng “sóng”?
- Nỗi nhớ trong tình yêu được thể hiện qua hình tượng “sóng”:
+ Nỗi nhớ bao trùm cả không gian, thời gian “dưới lòng sâu…trên mặt nước…”, “ngày đêm không ngủ được” → nỗi nhớ thật da diết, sâu đậm.
+ Nỗi nhớ tồn tại trong ý thức và đi vào cả tiềm thức: “Lòng em nhớ đến anh/Cả trong mơ còn thức” → nỗi nhớ mãnh liệt của tác giả.
Câu 6:
Chú ý khát vọng của người phụ nữ trong tình yêu.
- Khát vọng của người phụ nữ trong tình yêu: được hòa mình vào cuộc đời, được sống trong “biển lớn tình yêu” với một tình yêu trường cửu, bất diệt với thời gian.
Câu 7:
Em có nhận xét gì về nhịp điệu, âm điệu của bài thơ? Nhịp điệu, âm điệu đó được gợi lên từ những yếu tố nào?
- Nhận xét:
+ Âm điệu trong bài thơ là âm điệu của những con sóng ngoài biển khơi vừa dữ dội vừa nhẹ nhàng.
+ Các câu thơ được ngắt nhịp linh hoạt, mô phỏng cái đa dạng của nhịp sóng: 2/3 (Dữ dội/và dịu êm - Ồn ào/và lặng lẽ); 3/1/1 (Em nghĩ về/anh/em); 3/2 (Em nghĩ về/ biển lớn – Từ nơi nào/sóng lên)
+ Các cặp câu đối xứng xuất hiện liên tiếp, câu sau nối thừa tiếp câu trước tựa như những đợt sóng xô bờ, sóng tiếp sóng đầy dạt dào: dữ dội và dịu êm - ồn ào và lặng lẽ, con sóng dưới lòng sâu – con sóng trên mặt nước, dẫu xuôi về phương bắc – dẫu ngược về phương nam.
Qua đó, ta thấy được bài thơ như một khúc hát âm vang vẫn ngân nga những giai điệu đắm say của nó trong những trái tim đang yêu. Xuân Quỳnh đã sống đắm say, đã yêu hết mình, đã khao khát rất mực chân thành trong những dòng thơ tình yêu đầy mê mải, thiết tha của mình.
Câu 8:
Hình tượng bao trùm, xuyên suốt bài thơ là hình tượng “sóng”, được gợi tả với những biểu hiện khác nhau. Hãy chỉ ra những biểu hiện đó.
- Hình tượng sóng – bản chất và quy luật của người phụ nữ khi yêu:
+ Sóng mang trong mình những tính chất đối lập: dữ dội – dịu em, ồn ào – lặng lẽ, đó cũng là bản tính của phụ nữ khi yêu (mãnh liệt nhưng sâu lắng).
+ Sóng không bằng lòng sống ở một nơi chật hẹp, “không hiểu mình” nên luôn khát khao, quyết liệt “tìm ra tận bể” rộng lớn, đó là khát vọng vươn tới sự tuyệt đích trong tình yêu của người phụ nữ.
+ Trước thời gian “ngày xưa – ngày sau”, những con sóng vẫn luôn dạt dào, sôi nổi, khát khao không gian bao la.
+ Cũng như sóng, trái tim của tuổi trẻ luôn khát khao tình yêu mãnh liệt, “bồi hồi trong ngực”, đó là quy luật vĩnh hằng.
- Hình tượng sóng – những suy nghĩ trăn trở về cội nguồn tình yêu:
+ Xuân Quỳnh tìm kiếm nguồn cội của sóng “Từ nơi nào sóng lên”, đồng thời thể hiện sự trăn trở, muốn khám phá chính bản thân mình, người mình yêu và tình yêu (“em”, “anh”, “biển lớn”)
+ Nữ sĩ tự đặt câu hỏi và tự lí giải bằng quy luật của tự nhiên: “sóng bắt đầu từ gió ...” nhưng nguồn gốc của sóng cũng như tình yêu đều bí ẩn, khó lí giải.
- Hình tượng sóng – nỗi nhớ, lòng thủy chung của người phụ nữ khi yêu:
+ Nỗi nhớ bờ của sóng bao trùm mọi phạm vi không gian: “dưới lòng sâu – trên mặt nước”, phạm vi thời gian “ngày - đêm”, biện pháp nhân hóa “không ngủ được” càng nhấn mạnh nỗi nhớ.
+ Không chỉ bày tỏ gián tiếp nỗi nhớ qua sóng mà người phụ nữ bày tỏ trực tiếp nỗi nhớ của mình “lòng em nhớ đến anh”, nỗi nhớ luôn thường trực trong suy nghĩ, ăn sâu vào tiềm thức “cả trong mơ còn thức”.
+ Nghệ thuật tương phản “xuôi – ngược”, điệp ngữ “dẫu”, “vẫn”, “về” gợi hành trình của sóng ngoài biển lớn cũng như hành trình tình yêu của người phụ nữ giữa cuộc đời.
+ Tấm lòng thủy chung của người phụ nữ, niềm tin chờ đợi trong tình yêu, dù ở đâu cũng “hướng về anh một phương”, nghĩ về “phương anh” bằng cả trái tim.
+ Quy luật tất yếu của “trăm ngàn con sóng” là tìm đến “bờ” dù có “muôn vời cách trở” cũng như người phụ nữ khi yêu luôn hướng đến người mình yêu, tìm kiếm tình yêu đích thực dù phải trải qua bao khó khăn thử thách.
- Hình tượng sóng – khát vọng tình yêu vĩnh cửu:
+ Sóng là sự lo âu, trăn trở của người phụ nữ về sự nhỏ bé của mình trước cuộc đời rộng lớn, sự hữu hạn của tình yêu trước thời gian vô hạn, sự dễ đổi thay của lòng người trước dòng đời đầy biến động.
+ Ẩn sâu trong ý thơ vẫn là niềm tin, hi vọng mãnh liệt vào sức mạnh của tình yêu như mây có thể vượt qua biển rộng “Như biển kia dẫu rộng ... bay về xa.”
+ Sóng chính là biểu tượng cho tình yêu mãnh liệt, trường tồn: khát vọng được “tan ra” “thành trăm con sóng nhỏ” để được sống hết mình trong “biển lớn tình yêu”, để tình yêu bất diệt, vĩnh cửu.
Câu 9:
Giữa tâm trạng người phụ nữ đang yêu và những trạng thái của sóng có sự tương đồng. Hãy phân tích sự tương đồng đó và nhận xét về mối quan hệ giữa hình tượng “sóng” và hình tượng “em” trong bài thơ.
- Sự tương đồng trạng thái giữa “sóng” và “em”:
+ Tình yêu của sóng khao khát tìm ra với biển lớn đến những thức đập, xô vỗ bờ,… Con sóng đang chứa đựng những nhịp điệu tâm hồn của người phụ nữ khi yêu. Con sóng dưới lòng sâu hay con sóng trên mặt biển đều diễn tả cái sâu thẳm, vời vợi của tình yêu con người.
+ Cái cồn cào, khắc khoải trong nỗi nhớ khôn cùng của em với anh được diễn tả bằng nỗi nhớ của sóng với bờ. Sóng không ngủ hay là em thao thức, sóng nhớ bờ hay trái tim em cồn cào, thao thức đập vì anh?
+ Biển không thể tách rời sóng, cũng như tình yêu của con người luôn tồn tại bất tử. Dù muôn vời cách trở sóng vẫn tìm đến bờ, giống như em nguyện dâng trọn đời cho anh. Bờ là nơi đến của sóng và anh là nơi đến của tình em.
- Nhận xét: hai hình tượng luôn song hành cùng nhau, phản ánh lẫn nhau, nhưng có lúc lại hòa vào làm một. Những đặc tính của sóng cũng giống như tâm trạng của người con gái trong tình yêu. Hình tượng này soi chiếu vào nhau và cộng hưởng nghệ thuật với nhau, nhằm biểu đạt một cách trọn vẹn thế giới tâm tình người phụ nữ đang yêu. Tâm hồn người phụ nữ đang yêu nhìn vào sóng để hiểu tận đáy lòng mình và nhờ con sóng biển mà biểu hiện những trạng thái tâm hồn mình trong tình yêu.
Câu 10:
Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số biện pháp tu từ trong bài thơ.
- Biện pháp tu từ đối lập, nhân hóa (khổ 1): “Dữ dội và dịu êm…Sóng tìm ra tận bể”. → mượn hình ảnh sóng để nói lên tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu, nó như những đợt sóng kia.
- Biện pháp điệp cấu trúc “con sóng” (khổ 5) → Phép điệp sử dụng 3 lần như một điệp khúc của bản tình ca với những giai điệu da diết, như một ám ảnh thường trực về tình yêu và nỗi nhớ. Ba câu thơ gắn liền với hình ảnh sóng giống như những đợt sóng gối lên nhau.
- Biện pháp tu từ ẩn dụ “ngực trẻ” (hai câu thơ cuối) → Trong suy ngẫm, liên tưởng của người phụ nữ đang yêu, mặt biển giống như lồng ngực cường tráng, trẻ trung của trời đất và sóng giống như nhịp đập trong trái tim rạo rực yêu đương của biển. Chữ trẻ mang đến cảm nhận về những nhịp sóng muôn đời cồn cào trào dâng mãnh liệt khiến cho biển muôn đời trẻ trung. Tình yêu cũng thế, nó đem đến sự trẻ trung, mạnh mẽ, nhiệt huyết của tuổi thanh xuân cho con người.
Câu 11:
Nêu cảm nhận của em về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ Sóng.
- Bài thơ đã thể hiện nổi bật vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu một cách chân thành, say đắm, nồng nàn, mãnh liệt, thủy chung, trong sáng, cao thượng. Đồng thời, nó vừa mang nét đẹp tình yêu của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, vừa có nét táo bạo, chủ động đến với tình yêu của người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
Câu 12:
Người phụ nữ trong bài thơ Sóng có điểm gì tương đồng và khác mới so với người phụ nữ trong ca dao và văn học trung đại mà em được biết?
- Điểm tương đồng: người phụ nữ trong bài thơ và người phụ nữ trong ca dao và văn học trung đại đều thể hiện tình yêu mang nét đẹp truyền thống, với những cung bậc tình cảm, tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu: nhân hậu, khao khát yêu thương và luôn hướng tới một tình yêu cao thượng, lớn lao.
- Điểm khác nhau: người phụ nữ trong bài thơ Sóng thể hiện cái tôi trong tình yêu đầy mới mẻ, mạnh mẽ và hiện đại để khẳng định tin bất diệt vào tình yêu, bày tỏ khát vọng thành thực của bản thân rằng muốn được dâng hiến, sống hết mình cho tình yêu.
Câu 13:
Trong văn học có nhiều câu thơ, bài thơ dùng hình tượng “sóng” và “biển” để nói về tình yêu. Hãy sưu tầm những câu thơ, bài thơ đó, đồng thời so sánh với bài Sóng để thấy được những sáng tạo đặc sắc của nhà thơ Xuân Quỳnh.
- Một số bài thơ dùng hình tượng “sóng” và “biển” để nói về tình yêu:
+ Bài thơ Sóng biển (Quốc Phương):
Sóng bạc đầu...nhưng vẫn còn rất trẻ
Cả muôn đời...luôn mạnh mẽ khát khao
Giữa khơi xa…sóng chẳng thể khi nào
Quên tình nghĩa...không vào bên bờ cát
Cứ như thế…vẫn rì rào sóng hát
Bản tình ca...khao khát được yêu thương
Giữa khơi xa…thăm thẳm đến vô thường
Lòng biển nhớ...những canh trường trăn trở
Và như thế…bình minh đầy duyên nợ
Sóng dâng trào...như sợ mất tình xưa
Ôm vào lòng...chẳng biết thiếu hay thừa
Mà mải miết…sớm trưa và vội vã
Bờ cát vẫn..dành tình thương tất cả
Dẫu muôn đời..sóng nghiêng ngả nơi đâu
Từ bình minh..và những lúc đêm thâu
Bờ với sóng..dẫu bạc đầu vẫn thế.
+ Bài thơ Chuyện tình biển và sóng (Trần Ngọc Tuấn):
Có một lần biển và sóng yêu nhau,
Người ta bảo biển là tình đầu của sóng.
Sóng dữ dội vỡ bờ cát trưa nóng bỏng,
Biển rì rầm hát mãi khúc tình ca.
Có một lần sóng nông nổi đi xa,
Bao kẻ đến và tỏ tình với biển.
Biển sợ rằng sóng không về vĩnh viễn,
Nên đành rằng hò hẹn với vầng trăng.
Sóng trở về thế là biển ăn năn,
Sóng đâu nợ để biển xanh kia vô tội.
Tình chỉ đẹp khi không còn gian dối,
Và bỏ đi kể từ đó không về.
Có một lần anh đã kể em nghe.
Chuyện tình yêu của chúng mình vốn không đơn giản,
Anh phiêu lưu còn em thì lãng mạn,
Và thời gian hò hẹn cũng mong manh.
Sóng bạc đầu từ đó phải không anh?
Còn biển kia vẫn xanh màu huyền bí?
Không phải đâu em biển kia không chung thủy,
Dẫu bạc đầu sóng vẫn mãi thủy chung.
Anh dắt em giữa biển nghìn trùng,
Nghe dã tràng kể chuyện xưa xa vắng.
Dẫu không phải tình đầu em trong trắng,
Chỉ mong anh một lòng với cổ tích biển ngày xưa!
- Qua các bài thơ nói mượn hình tượng “sóng” và “biển” để nói về tình yêu, ta càng thấy rõ nét được những sáng tạo đặc sắc của Nhà thơ Xuân Quỳnh khi viết bài thơ Sóng: âm điệu tự nó tạo thành một hình tượng sóng, phù hợp với nhịp điệu tâm trạng của người con gái đang yêu; hồn thơ của Xuân Quỳnh luôn tự bộc lộ những khát vọng, những say đắm rạo rực, những suy tư day dứt, trăn trở của lòng mình trong tình yêu.