Bài 45: Sinh sản hữu tính ở động vật
-
2943 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
30 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
- Cho ví dụ về loài động vật có sinh sản hữu tính.
- Điền dấu X cho câu đúng về khái niệm sinh sản hữu tính ở động vật:
A – Sinh sản hữu tính là kiểu sinh sản tạo ra cá thể mới qua sự hợp nhất của giao tử đực và giao tử cái, các cá thể mới rất giống nhau và thích nghi với môi trường sống.
B – Sinh sản hữu tính là kiểu sinh sản có sự kết hợp của các giao tử lưỡng bội để tạo ra các cá thể mới thích nghi với môi trường sống.
C – Sinh sản hữu tính là kiểu sinh sản tạo ra cá thể mới qua hình thành và hợp nhất giao tử đơn bội đực và giao tử đơn bội cái để tạo ra hợp tử lưỡng bội, hợp tử phát triển thành cá thể mới.
D – Sinh sản hữu tính là kiểu sinh sản tạo ra các cá thể mới qua hợp nhất của hai loại giao tử của bố và mẹ nên con cái rất giống với bố mẹ.
- Ví dụ về loài động vật có sinh sản hữu tính: rắn, ếch, thằn lằn bóng, cá chép, gà, chó,…
- Đáp án đúng về khái niệm sinh sản hữu tính ở động vật: C – Sinh sản hữu tính là kiểu sinh sản tạo ra cá thể mới qua hình thành và hợp nhất giao tử đơn bội đực và giao tử đơn bội cái để tạo ra hợp tử lưỡng bội, hợp tử phát triển thành cá thể mới.
Câu 2:
- Cho ví dụ về loài động vật đẻ trứng và đẻ con:
- Cho biết ưu điểm của mang thai và sinh con ở thú so với đẻ trứng ở các động vật khác.
- Ví dụ về loài động vật đẻ trứng và đẻ con:
+ Động vật đẻ trứng: ếch, gà, rùa, cá, chim,…
+ Động vật đẻ con: khỉ, lợn, bò, chó,…
- Ưu điểm của mang thai và sinh con ở thú so với đẻ trứng ở các động vật khác: Phôi được nuôi dưỡng và bảo vệ tốt, chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ qua nhau thai để nuôi thai rất phong phú, nhiệt độ trong cơ thể mẹ rất thích hợp cho sự phát triển của phôi.
Câu 3:
Cho biết sự khác nhau giữa sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính.
Sự khác nhau giữa sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính:
- Sinh sản vô tính: không có sự hợp nhất của các giao tử đực với giao tử cái. Con sinh ra giống nhau và giống hệt mẹ về di truyền.
- Sinh sản hữu tính: có sự hợp nhất của giao tử đực (n) với giao tử cái (n) để hình thành hợp tử (2n), hợp tử phát triển thành phôi và thành cá thể mới mang thông tin di truyền của cả bố và mẹ.
Câu 4:
Cho ví dụ về vài loài động vật có thụ tinh ngoài. Tại sao thụ tinh ngoài phải thực hiện trong môi trường nước?
* Ví dụ về vài loài động vật thụ tinh ngoài: cá chép, cá cờ, cá rô, ếch đồng, tôm, cua,….
* Thụ tinh ngoài phải thực hiện trong môi trường nước vì: tinh trùng cần có môi trường nước để bơi đến gặp trứng và thụ tinh cho trứng.
Câu 5:
Cho ví dụ về vài loài động vật có thụ tinh trong.
Các động vật có thụ tinh trong (tinh trùng gặp trứng ở trong cơ quan sinh dục của con cái): voi, hươu nai, bò, lợn, gấu, rắn, cá voi, cá heo, chim,...
Câu 6:
So sánh sinh sản hữu tính ở động vật và thực vật.
* Giống nhau:
- Có sự kết hợp của giao tử đực (n) và giao tử cái (n) để hình thành hợp tử (2n).
- Con sinh ra mang đặc điểm di truyền của cả bố và mẹ.
* Khác nhau:
Sinh sản hữu tính ở động vật | Sinh sản hữu tính ở thực vật | |
---|---|---|
Quá trình tạo giao tử | Giao tử đực tạo ra ở cơ quan sinh dục đực, giao tử cái tạo ra ở cơ quan sinh dục cái. | Hạt phấn (chứa giao tử đực) hình thành trong bao phấn, noãn (chứa giao tử cái) hình thành trong bầu. |
Quá trình thụ tinh | Thụ tinh ngoài hoặc thụ tinh trong | Thụ tinh kép |
Quá trình phát triển phôi | Diễn ra trong trứng hoặc trong tử cung của con cái hoặc trong túi của con đực (cá ngựa). | Diễn ra trong bầu, vách bầu hình thành vỏ quả để bảo vệ phôi. |