(2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 29) có đáp án
(2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 29) có đáp án
-
201 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
120 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Em có về thôn trăng,
Khúc sông cửa võng vắt qua làng như lụa,
Phù sa in mặt người lam lũ,
Truân chuyên vạt sóng đời người
Mực mồng tơi nhoè tím tuổi thơ tôi
Một tuổi thơ khét nắng,
đầu trần chân đất,
đòn roi.
Ký ức hình mảnh cháy cơm sót lại đáy nồi,
Phên dại rách mẹ lấy lưng che chỗ gió,
Là những ngày mưa xé nát bươm con ngõ,
rau tập tàng thay cơm.
Tháng mười thắt eo lưng cây rơm,
Tháng bảy bão qua xô nghiêng nhà, hất tung chái bếp
bão mưa, đói nghèo không làm tắt được
ngọn lửa hồng của mẹ tôi.
Tôi lớn lên bằng con tôm, ngọn muống già, trái sấu non, đọt mùng tơi
Bằng sự bòn nhặt suốt đời của mẹ
Cánh cò vẫn trắng nguyên dẫu lời ru không giá thú
Khóm xương rồng gai góc nở hoa.
Mẹ còng lưng cho tôi đứng thẳng,
Mẹ bấu víu vào đất quê nhà cho tôi đi xa.
Em có về với giếng nước, gốc đa,
Với những bức tường nước cốt trầu loang lổ,
Với móm mém nụ cười, đôn hậu như trong câu chuyện cổ,
Gáo nước mưa gội mát trưa hè
Thôn trăng – yêu được thì về.
( Em có về thôn trăng, Đàm Huy Đông)
Xác định thể thơ được sử dụng trong văn bản.
Thể thơ: tự do |
0,75 |
Câu 2:
Chỉ ra những hình ảnh miêu tả quê hương được sử dụng trong đoạn thơ sau:
Em có về với giếng nước, gốc đa,
Với những bức tường nước cốt trầu loang lổ,
Với móm mém nụ cười, đôn hậu như trong câu chuyện cổ,
Gáo nước mưa gội mát trưa hè
Những hình ảnh miêu tả quê hương: giếng nước, gốc đa; những bức tường nước cốt trầu loang lổ; móm mém nụ cười, đôn hậu như trong câu chuyện cổ; gáo nước mưa gội mát trưa hè. |
0,75 |
Câu 3:
Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ:
Mẹ còng lưng cho tôi đứng thẳng,
Mẹ bấu víu vào đất quê nhà cho tôi đi xa.
- Biện pháp tu từ được sử dụng: + tương phản Mẹ còng lưng >< tôi đứng thẳng, Mẹ bấu víu vào đất quê nhà >< tôi đi xa. + điệp cấu trúc: Mẹ…cho tôi… - Tác dụng: + Tạo nhịp điệu da diết, ngậm ngùi cho lời thơ + Nhấn mạnh những vất vả, khó nhọc, hi sinh của mẹ để con có thể vững bước trên hành trình của mình. + Thể hiện tình yêu thương, sự trân trọng, biết ơn của tác giả đối với những công lao to lớn của mẹ
|
1,0 |
Câu 4:
Bài học ý nghĩa nhất với anh/chị sau khi đọc văn bản là gì?
- Học sinh nêu được bài học ý nghĩa nhất và lí giải phù hợp Sau đây là một gợi ý Bài học ý nghĩa nhất với tôi sau khi đọc văn bản là con người dù đi đâu, làm gì cũng luôn nhớ về quê hương. Quê hương là nơi ghi dấu những kỉ niệm tuổi thơ, nơi có những người thân yêu, nơi lưu giữ một phần quan trọng trong tâm hồn chúng ta. Nhớ về quê hương, con người sẽ có động lực sống một cách ý nghĩa còn lãng quên quê hương, quên nơi mình sinh ra, lớn lên, con người sẽ thành những kẻ vong ân, bội nghĩa, rất đáng bị phê phán. |
0,5 |
Câu 5:
Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của anh/ chị về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0,25 |
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận trách nhiệm của tuổi trẻ với quê hương. |
0,25 |
c. Triển khai vấn đề nghị luận Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề: trách nhiệm của tuổi trẻ với quê hương. Có thể theo hướng: - Quê hương là nơi sinh ra, lớn lên; nơi ghi dấu những kỉ niệm từ thửơ ấu thơ trong cuộc sống của mỗi người. Quê hương có vai trò quan trọng trong cuộc sống nên mỗi người đặc biệt là thế hệ trẻ cần có trách nhiệm với quê hương. - Trước hết, mỗi người cần có tình yêu, sự gắn bó và thấu hiểu quê hương của mình để từ đó xác định rõ mục đích, trách nhiệm của bản thân. - Nỗ lực học tập, rèn luyện, hoàn thiện bản thân cả về nhân cách và tri thức để trở thành những con người sống ý nghĩa, đóng góp những giá trị cho quê hương. - Tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng để đóng góp xây dựng, bảo vệ quê hương; tuyên truyền các giá trị văn hóa, vẻ đẹp, truyền thống của quê hương; phê phán những việc làm gây tổn hại cho quê hương…
|
1,0 |
d. Chính tả, ngữ pháp Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. |
0,25 |
e. Sáng tạo Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,25 |
Câu 6:
Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất, hòa lẫn trong đám đông …
(Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu, Sách Ngữ văn 12- tập 2, NXB Giáo dục, 2011, Tr.78)
Hãy phân tích đoạn văn trên; từ đó nhận xét quan niệm của tác giả về nghệ thuật.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề. |
0,25 |
b.Xác định đúng vấn đề cần nghị luận Phân tích một đoạn trích của “Chiếc thuyền ngoài xa”. Từ đó, nhận xét về quan niệm nghệ thuật của nhà văn. |
0,5 |
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau: |
|
*Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm và đoạn trích. |
0,5 |
* Phân tích đoạn trích - Giá trị, sức sống của tấm ảnh Sau bao nỗ lực tìm kiếm, Phùng đã chụp được tấm ảnh ghi lại cảnh biển buổi sớm với một con thuyền lưới vó đang từ từ tiến vào bờ trong bầu sương mù màu trắng sữa có chút hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Đó là một hình ảnh thực đẹp và toàn bích, giàu ý vị nghệ thuật được phát hiện bằng một con mắt tinh đời và một trái tim say mê cái đẹp. Vì thế, nó đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật giá trị vượt qua cả sự kiểm duyệt với những yêu cầu có phần khắt khe của vị trưởng phòng khó tính. Không chỉ được chọn vào bộ lịch năm ấy, tấm ảnh còn được biết đến rộng rãi, được nhiều người trân quý được treo ở nhiều nơi nhất là các gia đình sành nghệ thuật. Không những thế, nó còn có sức sống vượt thời gian không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau. Như vậy, sự đón nhận, yêu thích của công chúng chính là thành quả xứng đáng mà Phùng nhận được sau những nỗ lực không mệt mỏi trên hành trình sáng tạo. Một lần nữa nó khẳng định Phùng là một nghệ sĩ đích thực. - Những ấn tượng của Phùng về tấm ảnh + Là một nghệ sĩ luôn trăn trở về cuộc sống và con người lại trải nghiệm những bi kịch đằng sau bức ảnh nên Phùng không bằng lòng với cái nhìn dễ dãi, xuôi chiều luôn ngắm kĩ, rồi nhìn lâu hơn tấm ảnh. Đó là cái nhìn đầy suy tư, là khát vọng thấu hiểu, cảm thông nhiều hơn nữa với con người trong cuộc sống bộn bề. + Ấn tượng về màu sắc Phùng nhận ra tuy là tấm ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên màu hồng hồng của ánh sương mai. Đó là ấn tượng đặc biệt về hiệu ứng màu sắc mà chính Phùng đã cảm nhận được khi quan sát cảnh biển buổi sớm. Đồng thời, màu hồng ấy cũng là biểu tượng cho chất thơ, cho vẻ đẹp lãng mạn của thiên nhiên, cuộc sống mà người nghệ sĩ tìm thấy từ chính thực tế. + Điều đặc biệt là khi mọi người chỉ nhìn bức ảnh với hai màu đen trắng thì Phùng lại thấy được đằng sau tấm màn tưởng như đơn điệu kia một gam màu thật hấp dẫn. Cũng như cuộc đời thầm lặng, vô danh của người đàn bà hàng chài tưởng như không có gì đáng nói, đáng kể mà lại ẩn chứa bao vẻ đẹp, bao ánh ngọc lấp lánh khiến anh phải ngỡ ngàng khi phát hiện rồi suy ngẫm để thay đổi quan niệm về cuộc đời và con người. + Ấn tượng về con người Tuy tấm ảnh không hề có hoạt động của con người nhưng mỗi khi nhìn lâu hơn, Phùng lại thấy hình ảnh người đàn bà hàng chài bước ra. Điều này cho thấy Phùng luôn trăn trở trước hiện thực cuộc sống của những người dân miền biển lam lũ, khốn khổ đặc biệt là cuộc đời nhiều bi kịch của người đàn bà hàng chài. Người đàn bà bước ra từ tấm ảnh của Phùng xấu xí cao lớn với những đường nét thô kệch, khuôn mặt rỗ; cuộc sống nghèo khó, lam lũ với tấm lưng áo bạc phếch, khuôn mặt nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Tất cả những chi tiết đó đã hoàn chỉnh chân dung của một con người bình dị đại diện cho những kiếp người lao động thời hậu chiến vất vả, hiện thân của cuộc sống bộn bề khó nhọc. + Những bước chân chậm rãi trên mặt đất hòa lẫn trong đám đông…. Đám đông là những là những con người bình thường, vô danh, thầm lặng vẫn luôn hiện diện quanh ta. Và những bước đi chắc chắn của người đàn bà giữa đám đông là minh chứng rằng dù có bất kì điều gì xảy ra thì cuộc sống vẫn tiếp diễn, mỗi con người sẽ tìm ra cho bản thân một cách thức riêng để thích ứng, tồn tại. Đồng thời, đây cũng là hình ảnh chứa đựng niềm tin mãnh liệt của người nghệ sĩ về sức sống về vẻ đẹp bất diệt và tương lai của con người trong hành trình cuộc sống. - Đánh giá: + Nghệ thuật: Cách tổ chức tác phẩm đặc biệt khi mở đầu là hành trình tìm kiếm bức ảnh và kết thúc với những suy tư, chiêm nghiệm của người nghệ sĩ về chính tấm ảnh của mình; giọng văn trầm lắng; những hình ảnh giàu giá trị biểu tượng… + Với Phùng tấm ảnh nghệ thuật đẹp đẽ kia chỉ là cái vỏ bề ngoài, đằng sau nó còn ẩn chứa bao góc khuất, bao bi kịch của cuộc sống đời thường. Nhận thức được điều đó, anh khao khát thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ nhiều hơn với những số phận khốn khổ để kéo gần khoảng cách giữa nghệ thuật và cuộc đời. Điều này khẳng định Phùng là một nghệ sĩ chân chính hết lòng vì nghệ thuật và cũng là một con người luôn day dứt trước những mảnh đời bất hạnh nhưng lại mang một niềm tin mãnh liệt về con người. |
2,5 |
* Nhận xét thông điệp về nghệ thuật mà nhà văn gửi gắm - Qua những ấn tượng của P về tấm ảnh, ta thấy được những quan điểm nghệ thuật mà Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm. Nghệ thuật không thể tách rời cuộc sống hiện thực và con người. Người nghệ sĩ cần biết hòa mình vào cuộc sống để lắng nghe tất cả những vang động của đời đồng thời cũng cần có cái nhìn sâu sắc đa chiều, dũng cảm khai phá những mảng hiện thực dù có tăm tối. Không những vật, một tác phẩm nghệ thuật chân chính phải là tác phẩm có chiều sâu, thể hiện được bản chất cuộc sống đằng sau vẻ ngoài lãng mạn đẹp đẽ. Để làm được điều đó, người nghệ sĩ không chỉ cần có cái tài mà còn cần cả cái tâm. - Chính những quan niệm nghệ thuật này đã góp phần quan trọng làm nên giá trị và sức sống lâu bền cho tác phẩm. Đó cũng là biểu hiện của một trái tim nhà văn luôn tha thiết với con người và cuộc đời, luôn khao khát tìm kiếm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người. |
0,5 |
d. Chính tả, ngữ pháp Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. |
0,25 |
e. Sáng tạo Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0,5 |