Thi Online (2023) Đề thi thử Ngữ Văn THPT Chuyên Lam Sơn , Thanh Hóa (Lần 1) có đáp án
Thi Online (2023) Đề thi thử Ngữ Văn THPT Chuyên Lam Sơn , Thanh Hóa (Lần 1) có đáp án
-
378 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
45 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Những căn nhà ấy
Đâu rồi
những căn nhà
những căn nhà bồng bế tuổi thơ tôi
những vách cột tay tôi men lẫm chẫm!
không gian rộng
trống trơn
những căn nhà tự nguyện chìm vào đất
tạo dựng các tầng trời
giục ý nghĩ trong đầu người cất cánh
Trên nền xưa
say khoảng rộng, chân đi thành cánh vỗ
tầng thấp, tầng cao
tôi say uống mùi hương thân thuộc
của những căn nhà tự chìm vào đất
nền cũ thành bệ phóng
kỷ niệm thành sức bay
tôi phồng ngực uống mùi hương ký ức
để bay vào tương lai.
29-6-2014
(Vũ Quần Phương, Phía ngoài kia là rừng, NXB hội nhà văn Việt Nam, tr 33 - 34)
1
Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ.
Phương pháp: Vận dụng kiến thức đã học về các phương thức biểu đạt.
Cách giải: Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.
Câu 2:
Trong đoạn thơ thứ nhất, tác giả đã hoài niệm, tìm kiếm những hình ảnh nào?
Phương pháp: Đọc, tìm ý.
Cách giải:
Trong đoạn thơ thứ nhất, tác giả đã hoài niệm, tìm kiếm hình ảnh: những căn nhà (hoặc những căn nhà bồng bế tuổi thơ tôi), những vách cột tay tôi men lẫm chẫm.
Câu 3:
Hai câu thơ sau giúp anh chị hiểu gì về mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại:
nền cũ thành bệ phóng
kỷ niệm thành sức bay
Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.
Cách giải:
Mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại:
- Quá khứ là nền móng tạo nên những giá trị của hiện tại. Sự phát triển của hiện tại mang dấu ấn từ quá khứ.
- Không thể tách quá khứ khỏi hiện tại, cần trân trọng những giá trị được tạo dựng từ những nền móng trong quá khứ.
Câu 4:
Thông điệp từ hai câu thơ những căn nhà tự nguyện chìm vào đất/ tạo dựng các tầng trời có ý nghĩa như thế nào với anh/chị?
Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.
Cách giải:
Học sinh có thể trình bày theo quan điểm của mình, có lý giải.
Gợi ý:
- Thông điệp từ hai câu thơ những căn nhà tự nguyện chìm vào đất/ tạo dựng các tầng trời: thông điệp về sự tự nguyện cống hiến, hi sinh cho những giá trị chung/ thông điệp về vai trò của quá khứ với hiện tại, tương lai…
- Suy nghĩ của bản thân.
Câu 5:
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc – hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về giá trị của những thay đổi mới mẻ trong cuộc sống.
Phương pháp: Vận dụng kiến thức đã học về cách làm một đoạn nghị luận xã hội.
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề:
- Giới thiệu nhận định: Giá trị của những thay đổi mới mẻ trong cuộc sống.
2. Giải quyết vấn đề3
- Những thay đổi mới mẻ trong cuộc sống là tiền đề cho sự phát triển của xã hội. Nó giúp cuộc sống văn minh và hiện đại hơn.
- Những thay đổi mới mẻ trong cuộc sống mang đến cho con người những trải nghiệm mới trong môi trường mới. Từ đó, tạo cảm hứng cho mỗi người thay đổi, hoàn thiện bản thân; duy trì sự tươi mới và cởi mở trong tư duy, có những thành quả sáng tạo đóng góp tích cực cho xã hội
3. Tổng kết vấn đề
Câu 6:
Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp – lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ – Yên Bái - Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành : "Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?". Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên "Dải Sông Đà bọt nước lênh bênh - Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình" của "một người tình nhân chưa quen biết" (Tản Đà), Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên.
(Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, tr 191 – 192)
Cảm nhận vẻ đẹp của hình tượng Sông Đà trong đoạn trích trên; từ đó, liên hệ với hình ảnh Sông Đà ở quãng đá bờ sông dựng vách thành để rút ra nhận xét về cách cảm nhận thiên nhiên của nhà văn Nguyễn Tuân.
2
Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
Cách giải:
Yêu cầu hình thức:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản. - Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu nội dung:
I. Giới thiệu chung
- Nguyễn Tuân là nhà văn tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam. Phong cách độc đáo, tài hoa và uyên bác.
- Người lái đò sông Đà là tác phẩm được trích trong tập Tùy bút sông Đà là kết quả của chuyến đi thực tế của tác giả lên vùng Tây Bắc. Tại đây ông đã phát hiện ra vẻ đẹp của thiên nhiên cùng chất vàng mười trong tâm hồn của người dân nơi đây.
- Khái quát vấn đề: Cảm nhận vẻ đẹp của hình tượng Sông Đà trong đoạn trích từ đó, liên hệ với hình ảnh Sông Đà ở quãng đá bờ sông dựng vách thành để rút ra nhận xét về cách cảm nhận thiên nhiên của nhà văn Nguyễn Tuân.
II. Phân tích
1. Cảm nhận đoạn trích.
Tác giả dùng điểm nhìn của một du khách hải hồ du ngoại trên sông nước. Từ đây tác giả cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ, đa dạng, phong phú của Sông Đà - Đó là vẻ đẹp tĩnh lặng, yên ả, thanh bình như còn lưu lại dấu tích của lịch sử cha ông.
+ Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ thời Lý, Trần, Lê cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Lặng tờ là sự im lặng tuyệt đối. Qua bao đời vẫn thế mà thôi.
+ Vắng vẻ đến mức tịnh không một bóng người.
+ Yên tĩnh đến mức tác giả thèm được giật mình bởi tiếng còi xe lửa của chuyến xe lửa đầu tiên đến với vùng đất này. Yên tĩnh đến mức tiếng cá đập nước sông, quẫy vọt lên mặt sông trở thành âm thanh chủ đạo và đủ sức làm cho đàn hươu giật mình chạy vụt biến. Biện pháp nghệ thuật lấy động tả tĩnh nhấn mạnh vẻ đẹp im lìm quãng hạ lưu này. 4
- Vẻ đẹp tươi mới, tràn trề nhựa sống, như bắt đầu một mùa nảy lộc sinh sôi.
+ Nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa.
+ Cỏ gianh đồi núi đang ra nõn búp.
+ Đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đậm sương đêm.
=> Nếu cỏ gianh là sức sống tự nhiên thì nương ngô lại là sự sống có bàn tay của con người. Đây là hi vọng của tác giả về sự phát triển của vùng kinh tế mới để chúng ta thoát khỏi sự khó khăn do chiến tranh gây ra.
- Đó còn là vẻ đẹp hoang sơ, cổ kính.
+ Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Tất cả tái hiện Sông Đà ở khúc này như một cõi nguyên sơ nguyên vẹm chỉ tồn tại cái đẹp. Chi tiết con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương nhìn tôi không chớp mắt khi tôi đang lừ lừ trôi trên một mũi đò hỏi tôi bằng tiếng nói riêng của con vật lành.
=> Cảnh quá đẹp cho nên nó đã giúp Sông Đà trở thành cảm hứng cho thi ca bao đời. Vẻ đẹp ấy đã cùng với sông Đà chảy qua không gian, thời gian, và đặc biệt là chảy qua cả những áng thơ ca bao đời, thơ Nguyễn Quang Bích rồi Tản Đà… để trở thành bất tử. Trong cái nhìn của thi sĩ Tản Đà, Sông Đà đã trở thành “một người tình nhân chưa quen biết”.
2. Liên hệ với hình ảnh Sông Đà ở quãng đá bờ sông dựng vách thành để rút ra nhận xét về cách cảm nhận thiên nhiên của nhà văn Nguyễn Tuân.
- Sông Đà hiện lên trong đoạn trích trên mang một vẻ đẹp trữ tình, hiền hòa trái ngược với con sông Đà hung bạo ở đoạn đầu khi tác giả miêu tả sông đà ở quãng đá dựng vách thành.
- Thiên nhiên của Nguyễn Tuân được cảm nhận đa chiều. Ông không chỉ nhìn thấy vẻ đẹp hùng vĩ có phần hung bạo của con sông Đà mà còn phát hiện ra vẻ đẹp trữ tình thơ mộng của nó. Điều đặc biệt là ở mỗi vẻ đẹp, Nguyễn Tuân đều có cảm nhận rất tinh tế, độc đáo khiến người đọc luôn thấy được cái đẹp của thiên nhiên nơi đây.
- Bằng ngôn từ độc đáo, sự hiểu biết uyên bác, Nguyễn Tuân đã tìm kiếm và phát hiện những vẻ đẹp kì diệu của tạo hóa.
III. Kết luận
- Khái quát lại vấn đề.
- Giá trị nội dung, nghệ thuật.