Thi Online (2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 10) có đáp án
Thi Online (2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 10) có đáp án
-
373 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
45 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Đọc văn bản:
(1) Và dần dà, tôi nhận ra, cuộc sống cũng như game, luôn bày ra trước mắt ta rất nhiều thủ thách) và hay việc. Nếu muốn lên cấp, bạn phải rèn luyện kĩ năng và vích lũy kinh nghiệm bằng việc làm nhiệm vụ hay còn gọi là vượt chướng ngại vật. Cấp độ mình càng tăng thì độ khó của chướng ngại vật cũng tăng theo. Nhưng cứ không ngừng rèn luyện và tích lũy, chơi đúng luật chơi của cuộc đời, rồi bạn sẽ là người chiến thắng.
(2) Cũng giống như game, trong cuộc sống, chúng ta cần có đồng đội. Đồng đội giúp cho mình không cảm thấy cô đơn và có đủ bản lĩnh để vượt qua thách thức. Sau này tôi đã mở công ty, giống như thành lập hội nhóm trong game để cùng nhau rèn luyện và phát triển. Và tôi đã có được chỉ số sức khỏe tuyệt vời với một trái tim khỏe mạnh, mức năng lượng luôn trong trạng thái đầy ắp vì luôn biết cách làm tăng năng lượng và tận hưởng cuộc sống như một cuộc chơi.
(3) Cũng giống như game, cuộc sống cũng có phần thưởng. Phần thưởng của người thắng cuộc là một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, ý nghĩa và thành công.
(4) Còn luật chơi là gì? Bật mí cho bạn biết nhé: đó là thành thật, đạo đức, hồn nhiên và tích cực. Chúc bạn thành công!
(Hãy sống như chơi - trích Không có đỉnh quả cao,
Phan Văn Trường và nhiều tác giả, NXB Trẻ, 2022, tr. 59-60)
Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2:
Theo đoạn trích, cuộc sống và game có những điểm nào tương đồng?
Theo đoạn trích, cuộc sống và game có những điểm tương đồng:
- luôn bày ra trước mắt ta rất nhiều thử thách.
- cần phải có đồng đội
- có phần thưởng.
- có luật chơi.Câu 3:
Nêu tác dụng của phép điệp cấu trúc trong đoạn văn số (2) và (3).
- Phép điệp cấu trúc trong đoạn văn số (2) và số (3): Cũng giống như game...
- Tác dụng:
+Tạo sự nhịp nhàng trùng điệp cho đoạn văn.
+ Nhấn mạnh quan điểm của người viết: bản chất cuộc đời và game (trò chơi) có nhiều điểm tương đồng.Câu 4:
Anh/Chị có đồng tình với ý kiến: cứ không ngừng rèn luyện và tích lũy, chơi đúng luật chơi của cuộc đời, rồi bạn sẽ là người chiến thắng hay không? Vì sao?
- Lí giải hợp lí, thuyết phục.
- Ví dụ: Nếu đồng tình có thể theo định hướng như sau: không ngừng rèn luyện và tích lũy, chơi đúng luật chơi của cuộc đời giúp ta trưởng thành, làm giàu kinh nghiệm, kĩ năng, có lối sống chính trực, ngay thẳng. Đó là tiền đề để nâng cao trí tuệ, hoàn thiện nhân cách, từ đó dễ dàng đạt được thành công.
Câu 5:
Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ của anh/ chị về sự cần thiết phải có tinh thần đồng đội trong cuộc sống.
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự cần thiết phải có tinh thần đồng đội trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề về sự cần thiết phải có tinh thần đồng đội trong cuộc sống.
Có thể theo hướng:
- Tinh thần đồng đội là sự hợp tác, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa người cùng mục đích, chí hướng, sở thích...
- Sự cần thiết phải có tinh thần đồng đội trong cuộc sống:
+ Giúp cá nhân không cô đơn, lạc lõng.
+ Tiếp thêm động lực cho mỗi người vượt qua khó khăn.
+ Tạo nên sự gắn kết khăng khít về tình cảm, sự thống nhất cao độ về ý chí, sức mạnh tinh thần, trí tuệ tập thể.
+ Lan tỏa thái độ sống tích cực đến mọi người.
....
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 6:
Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.
(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.6)
Cảm nhận của anh/ chị về nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét số phận người phụ nữ miền núi cao Tây Bắc được nhà văn miêu tả thông qua nhân vật Mị.
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích. Nhận xét nhận xét số phận người phụ nữ miền núi cao Tây Bắc được nhà văn miêu tả thông qua nhân vật Mị.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:
*Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ và nhân vật Mị trong đoạn trích.
* Cảm nhận về nhân vật Mị trong đoạn trích:
- Đoạn văn miêu tả nhân vật Mị với kiếp con dâu gạt nợ ở nhà thống lí Pá Tra. Bề ngoài là con dâu vì Mị là vợ A Sử, nhưng bên trong Mị chỉ là một thứ gán nợ, bắt nợ để bù đắp cho khoản tiền mà bố mẹ Mị đã vay của nhà thống lí Pá Tra nhưng chưa trả được. Điều đau đớn trong thân phận Mị là ở chỗ: Nếu chỉ là con dâu gạt nợ thay cho bố mẹ thì Mị hoàn toàn có thể hi vọng vào một ngày nào đó sẽ được giải thoát sau khi món nợ đã được thanh toán (bằng tiền, bằng vật chất hay công cụ lao động). Nhưng Mị lại là con dâu bị cướp về và cúng trình ma nhà thống lí. Linh hồn của Mị đã bị con ma ấy cai quản. Đến hết đời, dù món nợ đã được trả, Mị cũng sẽ không bao giờ được giải thoát, được trở về với cuộc sống tự do. Đây là đời làm dâu gạt nợ của Mị ở nhà thống lí Pá Tra là - một quãng đời thê thảm, tủi cực, sống mà như đã chết của Mị.
- Mị dường như bị tê liệt cả lòng yêu đời, yêu sống lẫn tinh thần phản kháng: Trước đó, khi mới làm dâu, Mị còn nghĩ đến cái chết, Mị có ý định ăn lá ngón tự tử để chấm dứt cảnh sống bi kịch của mình. Giờ đây, sau mấy năm làm dâu gạt nợ, đến cái chết Mị cũng chẳng còn nghĩ đến nữa: Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Mị ở lâu trong cái khổ nên quen khổ rồi, không còn ý niệm về sự khổ. Bây giờ dường như trong Mị chỉ có một ý niệm duy nhất - ý niệm về thân "trâu, ngựa" của mình: Bây giờ thì Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi.
- Mị chỉ là một công cụ lao động: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi.
- Thân phận của Mị không bằng con trâu, con ngựa trong nhà: Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.
- Mị âm thầm như một cái bóng: Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa.
- Mị như một tù nhân chốn địa ngục trần gian, đã mất tri giác về cuộc sống. Căn buồng Mị ở không phải là căn buồng hạnh phúc mà giống như một gian ngục thất giam cầm một tù nhân đã mất đi ý niệm về thời gian sống, mất cảm giác về cuộc sống và thân phận của mình: Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng.
- Nghệ thuật:
+ Nghệ thuật miêu tả nhân vật qua ý nghĩ và hành động; sử dụng chuỗi hình ảnh so sánh tăng cấp từ so sánh ngang bằng (Mị tưởng mình cũng là con trâu, cũng là con ngựa, như con rùa lùi lũi) đến so sánh hơn (Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày...) mang lại hiệu quả cao trong khắc họa chân dung nhân vật.
+ Nghệ thuật lựa chọn chi tiết đặc sắc (căn buồng Mị với cái lỗ vuông bằng bàn tay... Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng...) mang lại ấn tượng sâu sắc về nhân vật Mị với cuộc sống như ngục tù, tăm tối, quẩn quanh, bế tắc.
- Đánh giá:
Đoạn văn miêu tả thành công cuộc đời làm dâu gạt nợ của Mị ở nhà thống lí Pá Tra, một quãng đời tủi cực, sống mà như đã chết. Nội dung và nghệ thuật đặc sắc trong đoạn văn góp phần thể hiện thành công tư tưởng, chủ đề tác phẩm.
* Nhận xét về số phận người phụ nữ miền núi cao Tây Bắc được nhà văn miêu tả thông qua nhân vật Mị:
- Tô Hoài đã miêu tả thành công cái khổ cực cùng kiệt của số phận người phụ nữ Mông trên núi cao Tây Bắc những năm trước cách mạng. Không chỉ là đói khát ngày đêm đi nương kiếm cái ăn và lúi húi trong bếp từ lúc trời chưa tan sương, mà một đời người con gái dân tộc Mông từ lúc bước chân đi lấy chồng ấy là phải dấn mình vào địa ngục khủng khiếp không thể nào tả nổi được. Mê tín và thần quyền mà xã hội thời ấy coi là tuyệt đối thiêng liêng đã bắt người phụ nữ ấy bán cho “cái ma” nhà ấy rồi và “cái ma” của nhà ấy không bao giờ cho người phụ nữ này ra khỏi nhà nữa. Cả đến những trường hợp dã man đến độ dùng tiền bạc và thế lực, đã “cướp” người phụ nữ đem về trình ma, thế là người phụ nữ cũng bị cái ma vô hình trói cả đời trong nhà ấy. Phải suốt đời ở trong nhà ấy. Nếu chẳng may chồng chết thì người ấy phải làm vợ người khác trong nhà, có khi là một người anh chồng già lụ khụ, có khi là một người em chồng còn ở tuổi trẻ con, và nếu chồng lại chết, lại phải ở với người đàn ông khác vẫn ở trong nhà ấy.
- Số phận người phụ nữ miền núi cao được nhà văn miêu tả thông qua nhân vật Mị trong đoạn trích là sự miêu tả chân thực số phận nô lệ cực khổ của người lao động nghèo Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn cường quyền phong kiến miền núi. Qua đó, nhà văn phơi bày bản chất tàn bạo của giai cấp phong kiến thống trị ở miền núi, đồng thời thể hiện lòng yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với thân phận đau thương của họ, từ đó khẳng định niềm tin vào vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của con người.
d. Chính tả, ngữ pháp
Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.