Thi Online (2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 9) có đáp án
Thi Online (2023) Đề thi thử Ngữ văn THPT soạn theo ma trận đề minh họa BGD (Đề 9) có đáp án
-
365 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
45 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
Đọc văn bản:
Quê hương thứ nhất của chị ở đất Hưng Yên, quê hương thứ hai của chị ở nông trường Hồng Cúm, hạnh phúc mà chị đã mất đi từ bảy, tám năm trước nay ai ngờ chị lại tìm thấy ở một nơi mà chiến tranh đã xảy ác liệt nhất. Ở đây, trong những buổi lễ cưới, người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối đã tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù rất óng mượt. Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy.
(Trích Mùa lạc, Nguyễn Khải, Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Khải, NXB Văn học, Hà Nội, 1998)
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Câu 2:
Chỉ ra chi tiết gợi nhắc đến dấu tích của chiến tranh trong câu văn sau: Ở đây, trong những buổi lễ cưới, người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối đã tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù rất óng mượt.
Câu 3:
Anh/chị hiểu như thế nào về nội dung của câu văn: Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy ?
- Câu văn nêu lên một triết lí: trong cuộc sống có những phạm trù tưởng như đối lập nhau nhưng lại có mối quan hệ tương sinh mạnh mẽ: Sự sống được ươm mầm từ cái chết, hạnh phúc được hiện hình từ những gian khổ, hi sinh, trên đời này không có con đường cùng và những ranh giới, chỉ cần chỉ cần chúng ta có sức mạnh và dám vượt qua.
- Câu văn đề cao thái độ sống bình thản; tư duy lạc quan, tích cực, nỗ lực vươn lên không ngừng của mỗi con người trong việc đi tìm lẽ sống và hạnh phúc.
Câu 4:
Nhận xét về nghệ thuật kể chuyện của tác giả trong đoạn trích trên.
- Đoạn trích được kể ở ngôi thứ ba với điểm nhìn bên ngoài; cách kể háp dẫn; ngôn ngữ tự nhiên; giọng kể vừa dung dị vừa đậm chất triết lí.
- Nghệ thuật kể chuyện thể hiện rõ tài năng của cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại.
Câu 5:
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Vai trò của tư duy tích cực.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề về vai trò của tư duy tích cực.
Có thể theo hướng:
- Giúp cá nhân không bị hoàn cảnh chi phối và tránh được cảm giác mệt mỏi, lo âu, bế tắc.
- Giúp cá nhân tin tưởng hơn vào khả năng và giá trị của bản thân mình.
- Giúp mọi việc trở nên dễ dàng hơn và mang tới thành công ngoài mong đợi.
- Tư duy tích cực sẽ tạo niềm tin về những kết quả, những giá trị tốt đẹp mà bạn nhận được trong hành trình của mình.
- Khi ở gần những người có tư duy tích cực, chúng ta sẽ vui vẻ, lạc quan hơn và phát triển hơn trong mọi việc.
....
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 6:
Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị không biết. Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau ! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường.
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi...
(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, Nxb Giáo Dục, 2008, tr 7,8)
Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Mị trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét khát vọng sống tiềm ẩn của nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài đề cập đến trong tác phẩm.
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Phân tích diễn biến tâm lí nhân vật Mị khi mùa xuân đến ở Hồng Ngài; nhận xét khát vọng sống tiềm ẩn của nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài đề cập đến trong tác phẩm.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:
*Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài, tác phẩm Vợ chồng A Phủ và đoạn trích.
* Diễn biến tâm lí nhân vật Mị trong đoạn trích:
- Những yếu tố tác động đến tâm lí của Mị:
+ Khung cảnh thiên nhiên mùa xuân tràn đầy sức sống, đầy màu sắc.
+ Những sinh hoạt ngày xuân ở Hồng Ngài vui nhộn tiếng cười nói, bữa cơm cúng ma đón năm mới rộn rã “chiêng đánh ầm ĩ” và bữa rượu tiếp ngay bữa cơm bên bếp lửa.
+ Đặc biệt, tiếng ai “rủ bạn đi chơi”, tiếng sáo gọi bạn tình “vọng” vào tâm hồn Mị “thiết tha, bổi hổi” cùng men rượu ngày tết tác động mạnh mẽ đến tâm lí nhân vật Mị.
- Diễn biến tâm lí nhân vật Mị:
+ Hồi tưởng lại quá khứ tươi đẹp: Trong không khí của một đêm tình mùa xuân, trong cái nồng nàn của bữa rượu ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ục từng bát. Mị uống rượu như để quên đi cái phần đời cay đắng vừa qua, để sống lại cái phần đời tươi trẻ đã có. Vì thế lúc này, lòng Mị đang sống về ngày trước, những ngày tươi đẹp, hạnh phúc và đầy kiêu hãnh của tuổi trẻ.
+ Lòng yêu đời, ham sống hồi sinh trong tâm hồn Mị: Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Lần đầu tiên sau những tháng ngày mất ý niệm về không gian, thời gian, về bản thân, lòng ham sống của Mị được hồi sinh trở lại.
+ Ý thức tuổi trẻ bị tước đoạt và khát vọng về cuộc sống tự do: Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Như một lẽ tự nhiên, khi ý thức sống đã trỗi dậy thì cũng là lúc Mị cảm thấy rõ hơn bao giờ hết cái vô nghĩa lí của cuộc sống thực tại.
+ Ý thức về thực tại: Mị không có cuộc sống tự do, không có hạnh phúc, thấm thía nỗi đau thân phận: huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau.
+ Mị trỗi dậy tinh thần phản kháng mãnh liệt: nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này. Mị sẽ ăn cho chết ngay...Đây chính là biểu hiện của sự phản kháng với hoàn cảnh, của sự xung đột gay gắt giữa một bên là khát vọng sống chân chính đã thức tỉnh với một bên là thực tại đáng chán vẫn đang hiện hữu. Những giọt nước mắt của Mị chỉ càng chứng tỏ rằng Mị đã thực sự hồi sinh và Mị đang ý thức rất rõ hoàn cảnh đau xót của mình.
+ Tiếng sao vẫn đang lửng lơ bay ngoài đường, những giai điệu tình yêu, những lỗi hẹn đáng tiếc Anh ném pao, em không bắt – Em không yêu, quả pao rơi rồi vẫn vang lên đâu đây. Từ chỗ là một âm thanh bên ngoài, tiếng sáo đã trở thành những nốt nhạc trong tâm hồn Mị. Tiếng sáo nội tâm ấy giống như một chất xúc tác để phản ứng đi chơi của Mị diễn ra nhanh hơn. Có thể thấy, những chuyển động mạnh mẽ trong tâm hồn Mị đã dẫn đến những hành động nối tiếp nhau sau này.
* Nghệ thuật:
- Nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế.
- Lối kể chuyện sinh động, tự nhiên, hấp dẫn.
- Ngôn ngữ kể phong phú, đậm tính khẩu ngữ.
* Đánh giá:
- Đoạn trích miêu tả rất tinh tế, chân thực lòng ham sống, khát vọng hạnh phúc, ý thức về quyền sống, sự phản kháng với hoàn cảnh của nhân vật Mị.
- Đoạn trích góp phần làm nên giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.
* Nhận xét về khát vọng sống tiềm ẩn của nhân vật Mị:
- Tô Hoài đã khám phá và phát hiện đằng sau một tâm hồn câm lặng vẫn còn một tâm hồn khát khao sống, khát khao yêu. Đằng sau một con rùa lùi lũi nuôi trong xó cửa còn có một con người ý thức về quyền sống, ham sống, có khát vọng hạnh phúc và quyết liệt phản kháng với hoàn cảnh.
- Cái khát vọng sống, niềm khao khát hạnh phúc vẫn tiềm ẩn sâu thẳm trong tâm hồn nhân vật Mị nó giống như ngọn lửa vẫn đang âm ỉ cháy dưới lớp tro tàn nguội lạnh và chỉ cần một trận gió mát lành thổi tới là nó có thể bùng cháy một cách mãnh liệt. Những tác động của ngoại cảnh là không nhỏ nhưng cái sức mạnh bên trong không thể nào dập tắt của con người mới là điều mẫu chốt quyết định sức sống của Mị, của mỗi cá nhân con người.
- Khát vọng sống tiềm ẩn của nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài miêu tả thành công trong đoạn trích đã góp phần làm nên giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.
d. Chính tả, ngữ pháp
Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.