Đề 29
-
5075 lượt thi
-
6 câu hỏi
-
120 phút
Danh sách câu hỏi
Câu 1:
I. ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây:
Trong đời sống, sự tự tin không chỉ thể hiện bản thân mỗi người khi giao tiếp, nó còn phản ánh cách chúng ta ứng xử trong cuộc sống, công việc, trong giao tiếp với người khác, trong sức mạnh mà chúng ta theo đuổi mục tiêu và giấc mơ của mình.
Trong giao tiếp, dù ở ngôn ngữ nào, sự tự tin là nền tảng và chất xúc tác cho toàn bộ quá trình chúng ta giao tiếp với người khác.
Sự tự tin không chỉ khiến bạn suy nghĩ lạc quan, tích cực và nhìn nhận được những mặt tốt đẹp của một sự việc. Thái độ này còn tạo nên phong thái và khí chất của bạn. Trang Huffington Post khẳng định: “Nếu tự tin, bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công khi phỏng vấn xin việc hay tìm kiếm việc làm mơ ước. Bên cạnh đó, người tự tin cũng được nhìn nhận là đẹp hơn, cuốn hút hơn”.
Chính thái độ và phong thái toát ra từ sự tự tin làm lu mờ những khiếm khuyết bên ngoài và biến họ (những người tự tin) trở nên đặc biệt trong mắt người khác- trang Bon Vita (một trang viết về phong cách sống) cũng khẳng định.
Trang Psychologist phân tích, sự thiếu tự tin ấy không phải do bạn thiếu năng lực, mà do bạn chưa nhìn nhận đúng về bản thân mình, chưa có niềm tin vào khả năng của mình.
(Khi tự tin, bạn quyền lực và hấp dẫn hơn, http://kenh14.vn, 13/3/2018)
Thực hiện các yêu cầu:
Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2:
Theo tác giả, thái độ và phong thái toát ra từ sự tự tin có giá trị gì?
Thái độ và phong thái toát ra từ sự tự tin làm lu mờ những khiếm khuyết bên ngoài và biến họ (những người tự tin) trở nên đặc biệt trong mắt người khác
Câu 3:
Chỉ ra một số biểu hiện khác của tự tin trong cuộc sống?
Một số biểu hiện khác của tự tin trong cuộc sống:
+ Chủ động khẳng định năng lực bản thân
+ Tích cực tham gia các công việc bản thân có thể đảm nhiệm
+ Mạnh dạn sáng tạo đem lại hiệu quả cao trong công việc…
Câu 4:
Anh/chị có đồng ý với ý kiến: “Nếu tự tin, bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công”? Vì sao?
Thí sinh bộc lộ quan điểm của mình, có thể đồng ý hoặc không đồng ý nhưng có lí giải hợp lí không vi phạm đạo đức, pháp luật.
Gợi ý:
+ Đồng ý: vì tự tin giúp ta suy nghĩ tích cực, lạc quan, nhìn nhận những mặt tốt đẹp của cuộc sông; phát huy năng lực, sở trường bản thân; khẳng định khả năng trong các lĩnh vực…
+ Không đồng ý: vì chỉ tự tin thì chưa đủ. Để thành công cần có năng lực, tri thức, kĩ năng sống; cần có ý chí, nghị lực, chăm chỉ, nỗ lực; cần có cơ hội và sự gúp đỡ của người khác…
Câu 5:
II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về ý nghĩa của sự tự tin.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, qui nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tự tin giúp chúng ta theo đuổi mục tiêu và giấc mơ của mình
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ thái độ sống tự tin giúp chúng ta theo đuổi mục tiêu và giấc mơ của mình
Có thể theo hướng sau:
- Giải thích: Tự tin là tin tưởng vào khả năng của chính mình
- Ý nghĩa của sự tự tin:
+ Giúp ta có động lực phấn đấu, cố gắng đạt được điều mong muốn
+ Lạc quan, tích cực hành động để vươn tới ước mơ
+ Khẳng định năng lực bản thân, giúp ích cho cộng đồng xã hội.
- Phân biệt tự tin và tự cao tự đại; phê phán người tự tin, mặc cảm trong cuộc sống
- Cần bồi dưỡng thái độ sống tự tin, biết đặt ra mục tiêu và vươn tới mục tiêu.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ
Câu 6:
Trong truyện ngắn Rừng xà nu, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã miêu tả hình ảnh rừng xà nu trong đoạn mở đầu: “… Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Và đoạn kết thúc: “…Tnú lại ra đi. Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê.
Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu tiếp nối chạy đến chân trời.”
(Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 12, Tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.40 và tr.47)
Phân tích hình ảnh rừng xà nu trong hai lần miêu tả trên. Từ đó, nhận xét về vẻ đẹp sử thi của tác phẩm.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định vấn đề cần nghị luận:
- Phân tích hình ảnh rừng xà nu qua hai lần miêu tả
- Nhận xét về vẻ đẹp sử thi của tác phẩm
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận
- Nguyễn Trung Thành là nhà văn có sự gắn bó mật thiết, sâu nặng và có nhiều hiểu biết phong phú về mảnh đất và con người Tây Nguyên
- Rừng xà nu là một trong những truyện ngắn xuất sắc của nhà văn in trong tập "Trên quê hương những người anh hùng Điện Ngọc" viết năm 1965.
- Hình tượng cây xà nu chiếm giữ một vị trí quan trọng của truyện ngắn: nhan đề, mở đầu, kết thúc, trở đi trở lại nhiều lần, tạo nên một không gian đặc trưng cho núi rừng Tây Nguyên.
* Phân tích
- Hình ảnh rừng xà nu trong đoạn đầu tác phẩm:
+ Rừng xà nu gánh chịu đau thương, tàn phá do bom đạn kẻ thù: Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương.
+ Nỗi đau do bom đạn giặc Mĩ gây ra được miêu tả cụ thể: Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình; vết thương ứa máu, dần bầm lại, đặc quyện thành từng cục máu lớn. Cách miêu tả từ khái quát đến cụ thể đã khắc họa sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn kẻ thù gây ra với những cánh rừng xà nu. Những chi tiết miêu tả chiếu ứng với con người, gợi liên tưởng về những đau thương, hi sinh mà con người Xô Man phải nếm trải: cái chết của bà Nhan, anh Xút, của mẹ con Mai, của đôi bàn tay Tnú bị đốt cháy.
+ Nghệ thuật nhân hóa, so sánh, ẩn dụ giúp người đọc hình dung nỗi đau đớn, sự mất mát của những cánh rừng xà nu do bom đạn tàn phá.
- Hình ảnh rừng xà nu ở cuối tác phẩm:
+ Rừng xà nu bị tàn phá bởi bom đạn: Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Những mất mát vẫn hiện hữu cụ thể bằng hình ảnh những cây xà nu to lớn bị đốn ngã, vết thương chảy nhựa không ngừng đau đớn.
+ Rừng xà nu với sức sống mãnh liệt, bom đạn kẻ thù không thể hủy diệt được: Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên… Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắt như những mũi lê. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu tiếp nối chạy đến chân trời. Đó là sự nối tiếp của thế hệ cây xà nu, cây mẹ ngã cây con mọc lên xanh tươi sừng sững trải màu xanh ngút ngàn. Cũng là biểu tượng cho sức sống bất diệt, cho tinh thần kiên cường bất khuất của con người Tây Nguyên trong kháng chiến.
+ Bút pháp lãng mạn đậm chất sử thi, nghệ thuật so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, kết cấu vòng tròn, tô đậm sức sống cùng vẻ đẹp hùng vĩ khoáng đạt của những cánh rừng xà nu xanh tươi bất tận. Nếu đoạn mở đầu là hình ảnh đồi xà nu thì đoạn kết thúc là hình ảnh rừng xà nu. Sự mở rộng không gian và tầm vóc như một cách khẳng định sự trường tồn bất diệt của sức sống, ý chí kiên cường của con người Việt Nam.
* Nhận xét về vẻ đẹp sử thi của tác phẩm
- Chủ đề: Tác phẩm viết về cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của người dân Tây Nguyên, làm sáng tỏ chân lí của thời đạị: phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng.
- Nhân vật:
+ Tiêu biểu cho số phận và phẩm chất của con người Tây Nguyên trong kháng chiến.
- Hình tượng nghệ thuật:
+ Hình tượng cây xà nu mang vẻ đẹp sử thi lớn lao, kì vĩ, kết hợp giữa hiện thực và biểu tượng, tạo nên bối cảnh hùng vĩ, tráng lệ.
- Ngôn ngữ nghệ thuật: ngôn ngữ mang vẻ đẹp trang trọng, hào hùng:
+ Lời kể của cụ Mết chậm rãi, trầm hùng như lời kể khan ngàn đời.
+ Qua lời kể của cụ Mết, Tnú hiện lên mang vẻ đẹp sử thi như những anh hùng trong các bản trường ca cổ Tây Nguyên.
- Giọng điệu: say mê, trang trọng, hùng tráng, có sức ngân vang
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận